CEO ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á cảnh báo một thách thức lớn đe dọa kinh tế toàn cầu
Trong cuộc trao đổi với CNBC, Piyush Gupta, CEO ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á DBS, nhấn mạnh rằng các gói kích thích ở nhiều nước đang giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại. Tuy nhiên, khi các gói kích thích này kết thúc, nhiều công ty sẽ không thể tồn tại nổi.
“Nếu nhiều công ty chết, bạn sẽ có một câu hỏi hàng triệu USD về việc làm sao để đối phó với những doanh nghiệp xác sống này. Bạn có sẵn sàng tiếp tục bỏ tiền, sử dụng tài chính công để hỗ trợ những công ty này hay để cho chúng sụp đổ và được thay thế bằng những mô hình mới tiên tiến hơn. Đây là thách thức đặc biệt nghiêm trọng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong năm tới”, Gupta cho biết.
Theo vị CEO ngân hàng DBS, chính phủ các nước sẽ gặp hàng loạt khó khăn trong việc tiếp tục duy trì các hình thức hỗ trợ này về dài hạn. Điều đó đồng nghĩa rằng nhiều doanh nghiệp sẽ bị bỏ lại phía sau. Trong trường hợp đó, hiệu ứng tiêu cực sẽ tràn sang các lĩnh vực tài chính.
Đối với các ngân hàng, bảng cân đối kế toán của họ sẽ chịu nhiều tác động. Tuy nhiên, điều an ủi là hệ thống ngân hàng toàn cầu bước vào cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra với nền tảng vững chắc hơn và có thể giảm thiểu được nhiều nỗi đau so với cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra hơn một thập kỷ trước.
Tại Singapore, nơi DBS đặt trụ sở, Chính phủ đã dự báo kinh tế sẽ sụt giảm 4-7% trong năm nay. Đây sẽ là cuộc suy thoái tồi tệ nhất của đảo quốc sư tử kể từ khi nước này giành độc lập vào năm 1956. Tại Singapore, có 34.000 khoản nợ được ân hạn trả lãi, gốc hoặc cả hai. 5.300 doanh nghiệp nhỏ và vừa được hoãn trả các khoản nợ có tài sản đảm bảo.
Ông Ravi Menon, giám đốc điều hành Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) cho biết các biện pháp cứu trợ cho “chúng ta nhìn thấy phần tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng” nhưng chúng sẽ không được duy trì mãi mãi. Việc tích lũy nợ, theo ông Menon, có thể làm tăng nguy cơ vỡ nợ về sau.
Về phần mình, Gupta nói rằng DBS đã đưa ra một số giả định hà khắc nhất về số doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể không sống sót sau cuộc khủng hoảng. Thậm chí, tỷ lệ các khoản nợ xấu có thể tồi tệ hơn mức từng thấy trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hơn 1 thập kỷ trước.
“Không còn nghi ngờ gì nữa, căng thẳng với hệ thống tài chính sẽ được thấy rõ hơn trong nửa cuối năm nay và năm sau”, CEO ngân hàng DBS nhận định.
Nguy cơ vỡ nợ cùng với một môi trường lãi suất thấp là những thách thức mà các ngân hàng đang phải đối mặt. Trước nguy cơ này, DBS đã tăng cường khả năng dự phòng và để ngỏ khả năng cắt giảm cổ tức. Ngoài ra, chuẩn bị một khoản để đối phó với tình huống xấu nhất cũng được xem là điều cần thiết.
Tham khảo: CNBC