Vì sao xung đột Nga – Ukraine khiến cả thế giới bận tâm: Nước được mệnh danh là ‘ổ bánh mỳ của châu Âu’, nước là ‘trạm dầu mỏ khổng lồ’
Theo tờ New York Times (NYT), sau 2 năm quằn quại vì đại dịch Covid-19, chuỗi cung ứng toàn cầu đang gặp tắc nghẽn còn giá các mặt hàng thì tăng phi mã. Giờ đây, mọi thứ còn trở nên tồi tệ hơn vì căng thẳng Nga-Ukraine.
Kể từ trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận quyền độc lập của khu vực tự trị miền đông Ukraine, căng thẳng giữa 2 nước đã leo thang. Việc Phương Tây can thiệp bằng các lệnh cấm vận lên Nga cũng như nguy cơ chiến tranh đã khiến thị trường chứng khoán “tắm máu” còn giá nhiên liệu điên cuồng đi lên.
Khủng hoảng?
Tờ NYT nhận định sự leo thang căng thẳng Nga-Ukraine chắc chắn sẽ tạo nên khủng hoảng giá năng lượng, lương thực khi các nhà đầu tư sợ hãi, qua đó đe dọa đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu hậu đại dịch.
Mặc dù vậy, các chuyên gia đánh giá tác động này vẫn nhỏ hơn so với thời điểm hàng loạt quốc gia đóng cửa vì đại dịch năm 2020. Nguyên nhân chính của nhận định này là quốc gia 146 triệu người với kho vũ khí hạt nhân khổng lồ không đóng vai trò lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu như Trung Quốc. Ngoài dầu mỏ và một số nguyên vật liệu sản xuất, nền kinh tế Nga chưa thể hiện được vai trò tương xứng với vị thế cường quốc quân sự của mình.
Ví dụ như Italy với dân số chỉ bằng một nửa Nga và ít tài nguyên hơn nhiều nhưng nền kinh tế lại cao gấp đôi xét về GDP. Ba Lan, một quốc gia nhỏ bé hơn Nga cũng xuất khẩu sang Châu Âu nhiều hơn.
“Nga ngày càng ít quan trọng với nền kinh tế toàn cầu ngoại trừ vấn đề dầu mỏ. Về cơ bản thì nền kinh tế này chẳng khác gì một trạm dầu mỏ lớn cho thế giới”, chuyên gia kinh tế Jason Furman của trường đại học Harvard, từng làm cố vấn cho Cựu Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh.
Tất nhiên những rắc rối liên quan đến nguồn năng lượng dầu mỏ sẽ ảnh hưởng đến các nước phụ thuộc vào chúng, qua đó tổn thương nền kinh tế, các ngành sản xuất cũng như tăng trưởng.
Ví dự như Châu Âu hiện đang nhập khẩu gần 40% khí đốt và 25% dầu mỏ từ Nga. Giá nhiên liệu tăng chóng mặt đang đe dọa đến kinh tế, xã hội nơi đây trong mùa đông giá lạnh.
Dự trữ khí đốt của Châu Âu hiện chỉ còn chưa đến 1/3 trong khi mùa đông vẫn rất dài.