Kinh tế Trung Quốc đón tin xấu vì biến thể Delta

Biến chủng Delta đã giáng 1 đòn khá mạnh lên kinh tế Trung Quốc trong tháng 8. Các chỉ số mới bổ sung thêm những dấu hiệu cho thấy đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bị chậm lại trong nửa cuối năm và làm dấy lên những đồn đoán rằng NHTW sẽ bổ sung thêm các biện pháp hỗ trợ.

Theo khảo sát nhà quản trị mua hàng (PMI), lĩnh vực dịch vụ có tháng suy giảm đầu tiên kể từ tháng 2/2020 do người tiêu dùng giảm chi tiêu và đi lại vì các biện pháp phòng chống dịch. Trong khi đó lĩnh vực sản xuất cũng giảm nhẹ từ 50,4 xuống còn 50,1 điểm trong tháng 7, một phần do chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

Ngoài nguyên nhân khách quan là xuất hiện một vài ổ dịch mới, nội lực kinh tế Trung Quốc cũng đang xuất hiện những dấu hiệu không ổn gồm lực cầu nội địa suy yếu và nhiều ngành bị ảnh hưởng từ chiến dịch siết chặt quản lý mà Chính phủ nước này đang ráo riết thực hiện.

NHTW Trung Quốc đã phát tín hiệu có thể tung ra một số biện pháp hỗ trợ có mục tiêu cụ thể, ví dụ như hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho một số ngân hàng. Về phía Chính phủ cam kết đẩy mạnh chi tiêu tài khóa trong nửa cuối năm để hỗ trợ tăng trưởng.

“Ngành dịch vụ đã bị sốc trước biến chủng Delta, khiến chặng đường hồi phục kinh tế trở nên gập ghềnh hơn”, Raymond Yeung – chuyên gia kinh tế trưởng tại ngân hàng ANZ – nhận định. “Rõ ràng là nền kinh tế vẫn cần hỗ trợ, có thể là 1 đợt cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc nữa trước khi năm 2021 kết thúc, sớm nhất là vào tháng 10”.

Các dữ liệu tần số cao mà Bloomberg theo dõi cũng cho thấy đà hồi phục đang trở nên yếu ớt hơn. Một số chuyên gia kinh tế đã hạ dự báo về tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc năm 2021, mặc dù các con số đưa ra vẫn cao hơn mức mục tiêu 6% của Chính phủ.

Trong khoảng 1 tháng, Trung Quốc đã quay trở lại áp dụng các biện pháp chống dịch mạnh mẽ nhất gồm hạn chế đi lại, xét nghiệm trên diện rộng và cách ly nghiêm ngặt để kiểm soát được làn sóng dịch bệnh mới nhất. Biến chủng Delta vừa khiến Trung Quốc trải qua đợt bùng dịch rộng nhất kể từ đầu năm 2020. Trong bối cảnh đó, niềm tin của các doanh nghiệp nhỏ suy giảm mạnh và người tiêu dùng ngay lập tức cắt giảm chi tiêu. Sự kiện cảng Ninh Ba Chu Sơn đóng cửa một phần cũng khiến hoạt động thương mại bị gián đoạn.

Theo Liu Peiqian, chuyên gia của Natwest Markets (Singapore), các dữ liệu mới càng khẳng định ngành dịch vụ phải chịu cú sốc nặng nề và đột ngột như thế nào từ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Mặc dù vẫn còn dư địa để chỉ số PMI dịch vụ hồi phục trong những tháng tới vì Trung Quốc đã kiểm soát được dịch, bất kỳ đợt bùng phát nào cũng sẽ tiếp tục đè nặng lên ngành này.

Đối với lĩnh vực sản xuất, chỉ số phụ đo lường lượng đơn hàng mới lần đầu tiên kể từ tháng 2/2020 giảm xuống dưới mức 50 điểm – ngưỡng thể hiện sự suy giảm.

Hoạt động xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề bất chấp một số người mua ở nước ngoài đã đặt hàng cho dịp Giáng sinh sớm hơn nhiều so với các năm trước. Các nhà xuất khẩu gặp phải vô vàn khó khăn từ đầu năm đến nay, từ tình trạng thiếu container đến cước phí vận chuyển tăng vọt.

Ở các nước châu Á khác, lĩnh vực sản xuất cũng đang chịu nhiều áp lực do biến chủng Delta đè nặng lên đà hồi phục của kinh tế toàn cầu. Ví dụ sản lượng công nghiệp tháng 7 của Nhật Bản giảm 1,5% so với tháng trước.

Tham khảo Bloomberg

Previous post Doanh nghiệp cần làm gì để phục hồi sau “bão COVID-19”?
Next post Chàng Trai Tài Trưởng Nguyễn Châu Lâm Trưởng Phòng Kinh Doanh Viettel Chi Nhánh Bình Phước