Giải mã Duolingo – Đế chế học ngoại ngữ online tỷ đô ‘ghét’ quảng cáo, đến khi có 300 triệu người dùng mới ‘thèm’ PR lần đầu tiên
Luis von Ahn sinh ra và lớn lên ở Guatemala, là con trai của doanh nhân điều hành thương hiệu kẹo lớn nhất nước này – Tropical Candy. Dù vậy, anh không muốn kế thừa việc kinh doanh của cha mà đến Mỹ theo học và lấy bằng cử nhân khoa học tại Đại học Duke.
Sau đó, anh lấy bằng Tiến sĩ tại Đại học Carnegie Mellon (và sau này trở thành Giáo sư Khoa học máy tính của trường). Trong thời gian này, anh tham gia vào một số dự án được hàng triệu người sử dụng và là một trong những người phát triển kỹ thuật đứng sau hình thức gọi vốn cộng đồng. Trước khi Duolingo nổi tiếng, Luis được biết đến nhiều nhất với tên gọi “cha đẻ của CAPTCHA”.
Khởi đầu của đế chế học ngoại ngữ online
Sau vài năm làm việc tại Google, Luis rẽ sang một hướng khác, được truyền cảm hứng bởi quê hương của anh. Guatemela là một nước nghèo, nơi chỉ những người có điều kiện mới được tiếp cận với giáo dục chất lượng.
Luis quyết định tạo ra cách để mọi người có thể làm điều đó miễn phí, mọi lúc mọi nơi bằng ứng dụng học ngoại ngữ Duolingo. Ứng dụng được phát triển và ra mắt năm 2011 bởi Luis và Severin Hacker, một trong những nghiên cứu sinh tiến sĩ của anh tại Đại học Carnegie Mellon (Pittsburgh, Mỹ).
Những phiên bản đầu tiên được chia sẻ với sinh viên, giảng viên của trường và nhận được sự ủng hộ lớn, giúp Duolingo nhanh chóng trở nên nổi tiếng bên ngoài Pittsburgh.
Từ sự đón nhận đó, Luis đã xây dựng các diễn đàn trực tuyến xoay quanh những ngôn ngữ mà Duolingo dạy. Ví dụ, với người học tiếng Pháp, họ lập diễn đàn chia sẻ mẹo học cũng như thông tin thú vị về ẩm thực và văn hóa Pháp. Một thời gian sau, Duolingo đã có rất nhiều người dùng giới thiệu cho gia đình, bạn bè và đồng nghiệp.
Luis cho biết: “Chúng tôi muốn mọi người đều có quyền tiếp cận bình đẳng và miễn phí với giáo dục ngôn ngữ. Miễn phí cũng đóng vai trò là công cụ marketing của chúng tôi. Số lượng người dùng lớn đã cung cấp cho chúng tôi lượng dữ liệu đáng kể về cách mọi người học ngoại ngữ để cải thiện sản phẩm nhanh hơn”.
Marketing tối thiểu, kết quả tối đa
Nhà sáng lập Duolingo khẳng định rằng chỉ khi được định giá 500 triệu USD, công ty mới bắt đầu tính đến việc kiếm tiền từ việc chèn quảng cáo trong ứng dụng và phí đăng ký của người dùng.
Trước cột mốc đó, trong khi khác ứng dụng ngôn ngữ khác dồn nguồn lực bao gồm nhân lực và tài chính vào marketing cũng như tính phí sản phẩm thì Duolingo lại “một mình một đường” khi chỉ chú trọng cải thiện sản phẩm. Ngay cả hiện tại, 80% nhân viên của công ty vẫn chủ yếu tập trung vào sản phẩm.
PR dựa trên sản phẩm vẫn là cốt lõi trong chiến lược marketing của Duolingo. Đội ngũ làm công tác này của họ vẫn còn rất khiêm tốn, với 3 nhân viên trên toàn thế giới. Những chính những ý tưởng mới giàu trí tưởng tượng như dạy ngôn ngữ Valyrian trong series phim Game Of Thrones đình đám đã đạt được mức độ phủ sóng truyền thông miễn phí, giúp tăng khả năng nhận diện của công ty.
Thời điểm chạy chiến dịch quảng bá đầu tiên vào mùa thu năm 2019, Duolingo đã có 300 triệu người dùng. Có thể nói, Duolingo đã chi rất ít cho marketing kể từ khi thành lập nhưng vẫn trở thành một trong ứng dụng học ngoại ngữ hàng đầu thế giới. Việc đạt được thành tích này phần lớn là nhờ marketing truyền miệng.