Điểm mặt những bê bối chấn động khiến tượng đài công nghệ gần 150 năm tuổi của Nhật Bản sụp đổ
Hôm 7/2, Toshiba cho biết họ đặt mục tiêu chia tách công ty thành 2 thay vì 3 đồng thời thúc đẩy kế hoạch cải thiện EPS để xoa dịu các nhà đầu tư giận dữ.
7 năm qua, tập đoàn có tuổi đời 150 năm này chìm trong sóng gió, bao gồm các vụ bê bối kế toán, phá sản hoạt động kinh doanh hạt nhân ở Mỹ, bán mảng chip được đánh giá cao và bị phát hiện thông đồng để ngăn các nhà đầu tư nước ngoài giành ảnh hưởng lớn. Dưới đây là những bê bối tồi tệ nhất, hạ gục gã khổng lồ công nghệ Nhật Bản từ năm 2015 tới nay.
Năm 2015: Toshiba tiết lộ những sai sót về mặt kế toán ở nhiều bộ phận và có sự tham gia của ban lãnh đạo cao nhất công ty. Tổng cộng, nó đã phóng đại lợi nhuận trước thuế lên 230 tỷ yên (2 tỷ USD) trong vòng 7 năm.
Tháng 12/2016: Toshiba tuyên bố sẽ chịu trách nhiệm hàng tỷ USD liên quan đến dự án xây dựng hạt nhân ở Mỹ mà Westinghouse Electric, công ty con của nó, mua lại một năm trước đó.
Tháng 3/2017: Westinghouse Electric nộp đơn xin bảo hộ phá sản do chi phí quá lớn cùng sự chậm trễ kéo dài nhiều năm tại các dự án điện ở Mỹ. Đối mặt với khoản nợ hơn 6 tỷ USD, Toshiba quyết định bán mảng chip, vốn đang được đánh giá rất cao của mình.
Tháng 9/2017: Toshiba quyết định bán mảng chip cho Bain Capital với giá 18 tỷ USD.
Tháng 6/2018: Việc bán mảng chip được hoàn tất. Toshiba Memory được đổi tên thành Kioxia.
Tháng 1/2020: công ty phát hiện những bất thường trong nghiệp vụ kế toán tại một công ty con thuộc sở hữu của tập đoàn.
Tháng 7/2020: Năm ứng viên giám đốc được đề cử bởi các cổ đông nhằm tìm cách cải thiện hoạt động quản trị và thay đổi điển chiến lược.
Tháng 9/2020: Toshiba tiết lộ hơn 1.000 phiếu bỏ qua bưu điện đã không được tính. Sumitomo Mitsui Trust Bank, ngân hàng phụ trách kiểm phiếu, sau đó tiết lộ rằng việc đếm thiếu các phiếu bầu hợp lệ tại các kỳ đại hội cổ đông của công ty đã diễn ra trong 2 thập kỷ qua.
Tháng 3/2021: Các cổ đông thông qua một cuộc điều tra độc lập liên quan tới cáo buộc các nhà đầu tư đã bị gây sức ép trước kỳ ĐHCĐ năm trước.
Tháng 4/2021: CVC Capital Partners đưa ra lời để nghị 21 tỷ USD để tư nhân hóa Toshiba. Một tuần sau, CEO của Toshiba từ chức trong bối cảnh tranh cãi liên quan tới giá thầu của CVC. Tuy nhiên, việc Toshiba bác bỏ đề nghị của CVC sau đó đã khiến một số cổ đông tức giận.
Ngày 10/6/2021: Cuộc điều tra do các cổ đông ủy quyền kết luận Toshiba đã thông đồng với Bộ Thương mại Nhật Bản, cơ quan coi Toshiba là tài sản chiến lược nhờ nắm giữ công nghệ lò phản ứng hạt nhân và các công nghệ quốc phòng, nhằm ngăn chặn nhà đầu tư nước ngoài giành ảnh hưởng tại các cuộc họp cổ đông của công ty năm 2020.
Ngày 25/6/2021: Cổ đông lật đổ Chủ tịch hội đồng quản trị Osamu Nagayama sau khi những người phê bình cáo buộc hội đồng quản trị không giải quyết các cáo buộc về việc gây sức ép lên các nhà đầu tư nước ngoài. Toshiba cam kết thực hiện đánh giá toàn bộ tài sản và phối hợp với các nhà đầu tư tiềm năng.
Tháng 11/2021: Toshiba cho biết họ sẽ chia công ty thành 3 với một đơn vị tập trung vào năng lượng, một đơn vị khác về cơ sở hạ tầng và đơn vị thứ 3 quản lý cổ phần của họ tại Kioxia, tiền thân của Toshiba Memory.
Ngày 7/2/2022: Một kế hoạch mới, trong đó tách công ty thành 2 được công bố. Toshiba cũng tăng gấp 3 lần mục tiêu lợi nhuận cho cổ đông của mình lên 2,6 tỷ USD trong 2 năm.