Tiền tệ và chứng khoán Châu Á đồng loạt lao dốc trong ngày 24/3, vì sao?

Hàng loạt các yếu tố đang gây bất lợi cho các tài sản Châu Á – vốn được xem là những tài sản rủi ro:

Chỉ số dollar index – so USD với rổ các đồng tiền chủ chốt – duy trì ở mức cao nhất gần 4 tháng, là 92,506. Giá vàng – một nơi trú ẩn an toàn – tăng lên 1.731,2 USD/ounce.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh. Mặc dù có sự điều chỉnh nhẹ trong mấy ngày qua, song hiện lợi suất này vẫn trên 1,6%, và Ngân hàng đầu tư quốc tế Goldman Sachs dự báo lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm có thể tăng lên tới 1,9% vào cuối năm 2021 nhờ các số liệu kinh tế lạc quan.

Phố Wall phiên hôm qua 23/3 kết thúc giảm điểm sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết nền kinh tế Mỹ vẫn còn trong giai đoạn khủng hoảng vì đại dịch, và không loại trừ khả năng sẽ phải tăng thuế trong tương lai để có đủ tài chính chi trả cho những khoản đầu tư công mới.

Giá dầu Brent giảm 5,9% trong phiên vừa qua, xuống 60,5 USD/thùng; dầu WTI giảm 6,2% xuống 57,55 USD/thùng.

Tiền điện tử Bitcoin giảm xuống dưới 54.000 USD, chỉ 2 tuần sau khi đạt mức cao nhất trong mọi thời đại là 61.781.83 USD.

Đức đã kéo dài thời gian giãn cách xã hội, trong khi số ca nhiễm gia tăng trở lai một cách đáng báo động ở Ấn Độ và Philippines. Các nhà phân tích của Maybank viết trong một báo cáo nghiên cứu: “Điều này làm dấy lên lo ngại về đà tăng trưởng đang bị ‘trật bánh’ khi một số quốc gia lớn hơn có thể buộc phải trì hoãn việc mở cửa trở lại nền kinh tế hoặc việc đi lại qua biên giới”.

Việc tiêm chủng vắc xin trên toàn cầu vẫn còn gặp nhiều trở ngại, tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư.

Các nước Châu Âu đã nối lại việc tiêm chủng vắc xin AstraZeneca, nhưng Hồng Kông (Trung Quốc) đã tạm thời đình chỉ việc tiêm vắc xin Pfizer và BioNTech đợt 2 với lý do có lỗi trên bao bì, trong khi cơ quan y tế Mỹ cho biết AstraZeneca Plc có thể đã đưa thông tin cũ vào kết quả mới.

Dưới những áp lực đó, tiền tệ Châu Á đồng loạt giảm giá so với USD, giảm mạnh nhất là rupiah của Indonesia và won của Hàn Quốc, mất gần 4%.

Nhân dân tệ xuống mức thấp nhất 2 tuần do những yếu tố trên cộng thêm sự gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây. CNY sáng nay ở mức 6,518 trên thị trường giao ngay, và niêm yết ở 6,5263 CNY, thấp nhất kể từ 9/3, trước khi nhích nhẹ lên 6,5223 CNY vào trưa nay, nhưng vẫn thấp hơn 63 điểm so với chiều qua. Trên thị trường quốc tế, CNY giao dịch ở mức 6,5237 CNY/USD.

Chứng khoán Châu Á hôm nay cũng đồng loạt chìm trong sắc đỏ, ở mức thấp nhất 2 tuần, với các chỉ số chứng khoán Indonesia và Đài Loan đều giảm gần 1%, trong khi chứng khoán Hàn Quốc giảm ngày thứ 4 liên tiếp.

Chỉ số chứng khoán MSCI Châu Á – Thái Bình Dương không kể Nhật Bản hôm nay giảm 1%, sau khi đã giảm 0,9% trong phiên liền trước, xuống 676,46 điểm, thấp nhất kể từ 9/3.

Chứng khoán Việt Nam cũng giảm điểm hôm nay. Kết thúc phiên sáng, chỉ số VN-Index chạm mức 1.155,23 điểm, mất xấp xỉ 30 điểm.

MSCI Châu Á – Thái Bình Dương từ đầu tháng 3 có xu hướng giảm sau 5 tháng tăng liên tiếp trước đó. Các nhà đầu tư bắt đầu tin rằng cơn “sốt” vừa qua của chứng khoán Châu Á đang kết thúc và bắt đầu đảo chiều.

Tiền tệ và chứng khoán Châu Á đồng loạt lao dốc vì sao? - Ảnh 1.

Previous post Bầu cử Mỹ năm 2020 đắt đỏ nhất lịch sử
Next post Sửa soạn khoác áo mới cho ngôi nhà đón năm mới đừng bỏ qua những điều sau: Bỏ ra một chút ít, không gian sống sang hơn nhiều lần