Ông Trump khiến Tencent mất hàng chục tỷ USD vốn hóa nhưng từ Nike đến Apple đều bị ảnh hưởng nếu cấm Wechat!
Sau khi làm tê liệt Huawei và phá hủy hoạt động kinh doanh toàn cầu của ByteDance, Mỹ gần đây đã chuyển sự chú ý sang gã khổng lồ đứng thứ ba về công nghệ của Trung Quốc, Tencent. Tuy nhiên, việc cấm đoán WeChat, ứng dụng được coi là trung tâm cuộc sống của một tỷ người dùng tại Trung Quốc, sẽ gây tác động to lớn tới không chỉ công ty công nghệ có giá trị cao thứ nhì Trung Quốc này mà còn tới cả những doanh nghiệp của Hoa Kỳ.
Những ngôn từ trong sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump nhằm chống lại WeChat rất mập mờ và không rõ ràng. Tuy nhiên sự mập mờ này cũng đã đủ để khiến giá trị vốn hóa của Tencent bốc hơi hàng chục tỷ USD. Apple – công ty Mỹ có lẽ là bị ảnh hưởng nặng nề nhất – cũng bị ảnh hưởng. Một cách thực thi cứng rắn có thể buộc Apple và Google phải gỡ bỏ WeChat khỏi cửa hàng ứng dụng, một động thái sẽ gây tác động tiêu cực tới doanh số bán iPhone tại thị trường Trung Quốc bởi mức độ phổ biến của ứng dụng này.
Các luật sư cũng cảnh báo Hoa Kỳ có thể cấm Tencent sử dụng chip vi tính, hệ thống máy chủ cũng như các phần mềm của Mỹ mà công ty này cần để vận hành hoạt động của mình. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ như Walmart, Coca Cola và Nike sẽ chịu ảnh hưởng vì đây là những doanh nghiệp đang sử dụng WeChat để tiếp thị và bán sản phẩm của mình. WeChat đã thay thế phần lớn việc sử dụng thư điện tử tại Trung Quốc và là một trong hai phương thức thanh toán di động chính tại Trung Quốc và giúp đất nước đang trở thành quốc gia không sử dụng tiền mặt.
Một điều mà mệnh lệnh này không thể cấm đoán được đó là việc cấm người sử dụng cá nhân sử dụng WeChat bởi vì dưới những điều khoản luật pháp mà Ông Trump viện dẫn ra thì chính quyền không thể chặn bất kỳ các truy cập mang yếu tố cá nhân và không liên quan tới các giao dịch tài chính. Clif Burns, luật sư của hãng luật Crowell & Moring có trụ sở tại Washington DC cho rằng nếu WeChat hay bất kỳ doanh nghiệp nào muốn kháng cáo tại tòa án, giới hạn của luật pháp có thể giúp họ.
Có vẻ sắc lệnh cấm TikTok và WeChat đã được soạn thảo một cách vội vã. Cái tên của doanh nghiệp là đối tượng của lệnh cấm, Công ty TNHH Tencent Holding, trụ sở tại Thâm Quyến, Trung Quốc thực ra không tồn tại. Tencent Holding là công ty mẹ được niêm yết tại Hong Kong trong khi Công ty Công nghệ Tencent Technology mới là công ty có trụ sở tại Thâm Quyến. Một số nhà luật sự còn tranh cãi việc lệnh cấm này chỉ ảnh hưởng tới WeChat hay là toàn bộ hoạt động của Tencent tại Hoa Kỳ.
« Đó là một tình thế tiến thoái lưỡng nan », Nicholar Turner , một luật sư của hãng luật Hong Kong Steptoe & Johnson cho hay. « Điều này cũng có nghĩa là các doanh nghiệp của Mỹ sẽ bị giới hạn trong việc chuyển giao công nghệ cho Tencent hoặc các nhà sản xuất hay các nhà phân phối, trong việc hosting cũng như hỗ trợ ứng dụng WeChat. Người sử dụng cá nhân cũng sẽ bị ngăn cản tải ứng dụng về. Tuy nhiên, không rõ những mệnh lệnh này sẽ được áp dụng như thế nào ».Trong một viễn cảnh tươi sáng hơn đối với Tencent, Bộ thương mại Hoa Kỳ có thể sẽ chỉ tập trung vào mảng hoạt động quốc tế của WeChat.
Một số nhà phân tích cho rằng có thể các công ty cũng như các cá nhân của Hoa Kỳ sẽ không bị cấm đoán trong việc sử dụng ứng dụng từ Trung Quốc. Có thể WeChat (trong phạm vi ngoài Trung Quốc) sẽ bị ảnh hưởng nhưng Weixin (mà phạm vi chỉ trong Trung Quốc) sẽ không bị tác động. Tuy nhiên, ngôn ngữ được sử dụng trong mệnh lệnh của Chính phủ Hoa Kỳ vẫn đủ mập mờ để Bộ Thương mại có thể nhằm tới cả Weixin nếu như họ muốn.
Tencent đã có động thái thúc đẩy việc mở rộng sử dụng ứng dụng WeChat với người dùng nước ngoài bằng việc liên kết với Visa, Mastercard và American Express để cho phép các thẻ tín dụng ngoài Trung Quốc có thể thực hiện thanh toán qua hệ thống thanh toán WeChat Pay. Vào tháng 11/2019, WeChat đã liên kết với Symphony, một ứng dụng thiên về ngành tài chính của Hoa Kỳ, nhằm cho phép người dùng kết nối giữa hai nền tảng.
Ngay cả vậy, số lượng người dùng thực sự hàng tháng tại Mỹ của WeChat chỉ đạt 3 triệu người với phần lớn là cộng đồng Hoa Kiều cũng như sinh viên Trung Quốc học tập tại các trường đại học tại Mỹ, đây là những đối tượng sử dụng ứng dụng như là một cách thức chủ yếu để giữ liên lạc với gia đình và bạn bè của mình tại quê nhà.
Một mối bận tâm lớn hơn đối với Tencent so với những hạn chế mà WeChat gặp phải khi kinh doanh ở nước ngoài đó là việc họ bị cấm mua sắm các hệ thống máy chủ hoặc chip vi tính có xuất xứ từ Hoa Kỳ để sử dụng trong công việc kinh doanh trên nền tảng WeChat.
Hệ thống máy chủ của WeChat cũng như nhiều hệ thống khác trên thế giới thường sử dụng các linh kiện đền từ các công ty của Hoa Kỳ như Intel. Động thái cấm đoán hiện nay đối với Tencent chưa bằng với mệnh lệnh trước đây của chính phủ Hoa Kỳ đối với Huawei mà trong đó áp dụng biện pháp trừng phạt và cấm công ty này sử dụng hệ thống tài chính của Hoa Kỳ. Nhưng khi thực thi thì sự khác biệt này có lẽ cũng không mấy khác nhau nếu Chính phủ Hoa Kỳ có ý định tước bỏ các công nghệ của Mỹ mà công ty này đang sử dụng.
Một điều nữa chưa rõ ràng là liệu mệnh lệnh này của chính phủ Hoa Kỳ có thể ảnh hưởng tới lĩnh vực kinh doanh chủ chốt của Tencent hay không, đó là mảng trò chơi trực tuyến, lĩnh vực giúp công ty này đạt mức tăng trưởng doanh thu tới 26% trong quý đầu tiên so với cùng kỳ năm ngoài và ở mức 108,1 tỷ nhân dân tệ (tương đương 15,2 tỷ USD). Theo App Annie, một ứng dụng theo dõi hoạt động của các nền tảng di động, Tencent là công ty Trung Quốc duy nhất nằm trong top 10 nhà cung cấp ứng dụng và trò chơi được tải về nhiều nhất trong năm vừa qua.
Công ty này cũng đã đầu tư rất nhiều tiền của vào các doanh nghiệp của Hoa Kỳ bao gồm Riot Games, nổi tiếng với trò chơi League of Legends (Liên minh huyền thoại); Epic Games, nhà sản xuất trò chơi Fortnite; Activision Blizzard, tác giả của trò chơi Call of Duty; Roblox, Reddit, Tesla, Lyft, Warner Music và Snap.
Tham khảo Financial Times