Vì sao Elon Musk ‘quay lưng’ với Bitcoin?

Mới đây, Musk thông báo Tesla ngừng chấp nhận thanh toán xe hơi điện bằng Bitcoin do lo ngại đào tiền ảo làm tăng lượng sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Ông dẫn dữ liệu từ các nhà nghiên cứu của Đại học Cambridge, chỉ ra tiêu thụ điện của Bitcoin tăng mạnh năm nay.

Tesla sẽ không bán Bitcoin mà mình đang có. Musk dự định khôi phục giao dịch với Bitcoin nếu việc đào Bitcoin chuyển sang năng lượng bền vững hơn. Nhà sản xuất ô tô điện đang sở hữu 2,5 tỷ USD Bitcoin. Tesla nghiên cứu các lọai tiền ảo khác dùng ít năng lượng hơn.

Bình luận của Musk khiến thị trường tiền ảo sục sôi và mất khoảng 365,95 tỷ USD giá trị từ khi ông đăng tweet hôm 13/5. Điều gì khiến CEO Tesla lo ngại như vậy?

Những người chỉ trích Bitcoin từ lâu đã lo ngại tác hại của nó đến môi trường. Theo nghiên cứu tiêu thụ điện Bitcoin của Cambridge, đồng tiền này tiêu tốn nhiều năng lượng hơn cả Thụy Điển hay Malaysia. Để hiểu vì sao Bitcoin ngốn năng lượng, bạn phải nhìn vào công nghệ nền tảng của nó: blockchain.

Sổ cái của Bitcoin phi tập trung, đồng nghĩa nó không do bất kỳ cá nhân/tổ chức nào kiểm soát. Nó thay đổi liên tục nhờ mạng lưới máy tính khắp thế giới. Các “thợ đào” tiền ảo sử dụng máy tính đặc biệt để giải quyết các phép toán phức tạp để thực hiện giao dịch. Đây là cách duy nhất để đào được Bitcoin mới.

Thợ đào không đào miễn phí. Họ phải chi số tiền khổng lồ cho trang thiết bị đặc biệt. Khi giải quyết được một bài toán mật mã phức tạp nào đó, họ có thể được thưởng vài Bitcoin. Cơ chế này được gọi là “bằng chứng công việc” (proof of work).

Carol Alexander, Giáo sư Đại học Kinh doanh Sussex, giải thích mức độ khó của việc đào Bitcoin ngày càng tăng lên trong 3 năm qua. Điện cũng được sử dụng nhiều hơn. Giá Bitcoin tăng gần 70% riêng trong năm nay. Khi giá tăng, thu nhập của thợ đào cũng tăng theo, khuyến khích nhiều người tham gia.

Elon Musk không phải người duy nhất lo ngại về tác động tới môi trường của Bitcoin. Vào tháng 2, Bộ trưởng Ngân khố Mỹ Janet Yellen cảnh báo tiền ảo “đặc biệt không hiệu quả” khi thực hiện giao dịch và dùng lượng năng lượng “gây sốc”.

Phần lớn hoạt động đào Bitcoin tập trung tại Trung Quốc, nơi vẫn phụ thuộc vào than đá. Tháng trước, một mỏ than tại Tân Cương đóng cửa, khiến gần 1/4 mạng lưới đào tiền của thế giới bị gián đoạn. Vào tháng 3, khu vực Nội Mông cho biết, sẽ đóng cửa các hoạt động đào tiền ảo tại đây vì lo ngại mức tiêu thụ năng lượng.

Tranh cãi xoay quanh mức độ ô nhiễm của Bitcoin làm đau đầu các nhà đầu tư về trách nhiệm xã hội và môi trường của doanh nghiệp. ESG (môi trường, xã hội và quản trị công ty) đang là xu hướng trên thị trường tài chính. Nhiều giám đốc tăng cường tích hợp mục tiêu bền vững vào chiến lược của mình.

Một số cổ đông Tesla lo lắng khi công ty đặt cược vào Bitcoin dù vẫn tuyên bố bản thân là một công ty “năng lượng xanh”. Các vấn đề về môi trường đặc biệt nhạy cảm trong giai đoạn hiện nay. Động thái của Tesla có thể là chuông cảnh tỉnh cho những doanh nghiệp, người tiêu dùng đang sử dụng Bitcoin.

Previous post Chuyện chưa kể về mạng “thuần Việt” của Việt Nam
Next post Chinh phục khách hàng bằng chiến lược thay đổi