Tưởng chừng đã chiến thắng nhưng vì sao Mỹ đột nhiên phải quay trở lại với cơn khủng hoảng Covid-19 tồi tệ nhất từ trước đến nay?
Ác mộng lặp lại
Sau hơn 1 năm chìm trong dịch bệnh, nước Mỹ khởi đầu mùa hè 2021 với xu hướng giảm số ca nhiễm và tràn trề niềm hi vọng phần tồi tệ nhất của đại dịch đã qua đi. Tuy nhiên giờ đây người Mỹ lại đang phải đối mặt với một thực tại phũ phàng: số ca nhiễm đang tăng trở lại, một lần nữa các bệnh viện quá tải và có vẻ như virus corona vẫn sẽ là một phần bắt buộc trong đời sống của họ ít nhất là trong tương lai gần.
Tỷ lệ tiêm chủng đang tăng lên, số ca nhiễm tại một số bang bị dịch nặng nhất ở phía Nam đã bắt đầu giảm xuống. Tuy nhiên kỳ nghỉ lễ ngày Labor Day không hề giống những kỳ nghỉ lễ trước đó, ví dụ như ngày Memorial Day (khi trung bình Mỹ chỉ ghi nhận chưa đến 25.000 ca nhiễm mỗi ngày) hay ngày Quốc khánh 4/7 (khi Tổng thống Biden nói về chuyện nước Mỹ được “giải phóng” khỏi virus).
Thay vào đó, thảm cảnh năm 2020 lặp lại. Mỹ ghi nhận hơn 160.000 ca nhiễm mới mỗi ngày và trên cả nước có khoảng 100.000 ca nhập viện. Ở Kansas, nhiều viên chức liên bang một lần nữa phải làm việc từ xa. Tại Arizona, hàng nghìn học sinh và giáo viên phải đi cách ly. Ở Hawaii, thống đốc bang khẩn cầu khách du lịch đừng tới hòn đảo này.
“Mỉa mai thay, mọi chuyện diễn ra quá tốt trong tháng 5 và phần lớn tháng 6, đến nỗi tất cả chúng ta, trong đó có cả tôi, đã nói về cái kết cho đại dịch. Chúng ta đã bắt đầu tận hưởng cuộc sống trở lại. Nhưng chỉ trong vài tuần ngắn ngủi, mọi thứ vỡ vụn”, Dr John Swartzberg, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại ĐH California, nói.
Làn sóng dịch bệnh quay trở lại khiến nước Mỹ kiệt sức, hoảng sợ và ngày càng hoài nghi về khả năng có thể quay trở lại trạng thái bình thường.
Hơn 1.500 người Mỹ thiệt mạng mỗi ngày, dù thấp hơn nhiều so với đỉnh dịch mùa đông năm ngoái nhưng tồi tệ hơn mùa hè năm ngoái. Mặc dù đà tăng của số ca nhiễm trên toàn quốc có xu hướng giảm xuống trong vài ngày gần đây và các bang ở phía Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể, các khu vực khác vẫn ở trong tình trạng tồi tệ nhất. Và với hàng triệu trẻ em đang quay trở lại trường học – nhiều trong số đó là lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020, các chuyên gia y tế cộng đồng nói rằng khó có thể tránh kịch bản xuất hiện nhiều ổ dịch mới tại trường học.
Vaccine tỏ ra hiệu quả trong việc ngăn chặn người bệnh diễn biến nặng và tử vong, nhưng 47% người Mỹ vẫn chưa được tiêm vaccine đầy đủ và điều đó cho phép biến chủng Delta có thừa cơ hội lây lan, tạo ra làn sóng tồi tệ nhất và một lần nữa gây áp lực lên hệ thống y tế.
“Thủ phạm” Delta
Làn sóng mới bùng nổ trong bối cảnh nước Mỹ đang bị chia rẽ sâu sắc, thiếu 1 tầm nhìn nhất quán về cách làm thế nào để đối phó với đại dịch. Trong những làn sóng trước, tiềm năng của vaccine khiến nhiều người nghĩ rằng chỉ còn vài tháng nữa là có thể quay trở lại cuộc sống bình thường. Bắt buộc đeo khẩu trang hay ở im trong nhà là sự hi sinh trong ngắn hạn để đạt được mục tiêu đó. Nhưng các biến chủng và việc hàng triệu người Mỹ từ chối tiêm vaccine khiến hi vọng đó mờ dần.
Ở miền Nam, các phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) đang quá tải, và ở khu vực Trung Tây, nơi số ca nhiễm vẫn đang tăng lên, nhiều bang đang dự báo những ngày tồi tệ nhất sẽ đến trong vài tuần tới.
Hiện nay câu hỏi đã chuyển từ làm thế nào để sạch bóng Covid sang làm thế nào để kiểm soát dịch bệnh. Đối lập với những tháng đầu tiên đối phó với dịch bệnh, hiện nay các doanh nghiệp vẫn mở cửa, trẻ em quay trở lại trường học và các sân vận động đầy ắp người. Trên khắp nước Mỹ áp dụng yêu cầu bắt buộc tiêm vaccine. Phong tỏa là chuyện ít được nhắc tới.
Không bắt buộc đeo khẩu trang!
Một nhóm nhỏ nhưng đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn các thống đốc bang (mà chủ yếu là đảng Dân chủ) như Illinois, Louisiana và New Mexico đã yêu cầu phải dùng khẩu trang ở các sự kiện tổ chức trong nhà. Tuy nhiên hầu hết các bang còn lại thì không. Một số bang do đảng Cộng hòa lãnh đạo cấm áp dụng yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang.
Thống đốc bang Indiana cho rằng tiêm chủng chứ không phải khẩu trang mới là cách tốt nhất để đối phó với làn sóng lây nhiễm hiện tại. Nhưng thực tế là số ca nhiễm mới mỗi ngày tại bang của ông đã tăng gấp 4 lần kể từ đầu tháng 8.
Biến chủng Delta đang reo rắc nhiều hậu quả trên khắp nước Mỹ. Nhiều trường đại học ở Virginia và Texas đã chuyển sang học trực tuyến vì dịch tái bùng phát. Một bệnh viện ở Kansas phải chuyển bệnh nhân đến Wisconsin vì không có giường trống. Những nhân viên y tế kiệt sức ở North Dakota được yêu cầu làm thêm giờ.
“Giống như bạn vừa hoàn thành 1 trận chiến nhưng chưa kịp thực sự nghỉ ngơi để hồi sức thì đã bị ném trở lại trận địa”, giám đốc 1 bệnh viện ở Upper Midwest nói. Số ca nhập viện vì Covid-19 trên hệ thống bệnh viện của ông đã tăng 339% trong 4 tuần.
Hi sinh vô ích?
Các nhà dịch tễ học miêu tả tình trạng hiện nay của Mỹ là mong manh, và những gì các nước khác đã trải qua không đem đến nhiều câu trả lời về con đường phía trước. Số ca nhiễm ở Ấn Độ và Anh cũng đã giảm mạnh sau khi biến chủng Delta hoành hành nhưng ở Anh con số lại đang bắt đầu tăng lên. Tại Israel, tình trạng tương tự diễn ra dù có tỷ lệ tiêm chủng rất cao.
Tỷ lệ tiêm chủng đang tăng lên vì các chủ sử dụng lao động yêu cầu nhân viên tiêm chủng, nhưng 36% người trưởng thành vẫn chưa hoàn thành đủ mũi tiêm. Và số ca nhiễm trong nhóm đã tiêm cũng tăng lên, cho thấy hiệu quả của vaccine đang giảm xuống dù vẫn tránh được ca nặng.
Trên khắp nước Mỹ, tâm trạng giận dữ và bối rối bao trùm. Một số người tỏ rõ quyết tâm ngay sau khi tiêm chủng xong sẽ quay lại với các hoạt động mà từ lâu họ đã không thực hiện vì dịch bệnh. Nhưng một số người vẫn cảm thấy chưa an tâm và tự hỏi không biết bao lâu mọi thứ mới bình thường trở lại.
“Chúng tôi đang sống như thể chưa tiêm vaccine. Nếu tới nhà hàng thì chỉ có thể ăn ở ngoài trời hay mang về”, một người dân ở Portland nói. Nhiều người đã tiêm vaccine đầy đủ cảm thấy bất mãn khi họ vẫn phải thực hiện nhiều quy định chỉ bởi vì có quá nhiều người chưa chịu tiêm.
Tham khảo New York Times