Trung Quốc – Bong bóng khổng lồ nhưng không bao giờ vỡ?
Trong khi Mỹ ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm Covid-19 mới mỗi ngày, số ca ở Trung Quốc đã giảm xuống mức 2 con số. Theo dự đoán GDP Mỹ sẽ giảm kỷ lục 6% trong năm nay, trong khi GDP Trung Quốc vẫn có thể hướng tới một năm tăng trưởng. Từ hành lang trụ sở WHO đến những cuộc biểu tình trên đường phố Hồng Kông, tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng lớn.
Đối với nhiều người, sự hồi phục của Trung Quốc sẽ là một điều bất ngờ. Nếu đọc các phân tích về Trung Quốc được công bố trong 30 năm trở lại đây, sẽ có rất nhiều dự đoán về kịch bản sụp đổ. Mức tăng trưởng 2 con số là rất ấn tượng, nhưng những người hoài nghi về tương lai của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cho rằng có rất nhiều vấn đề tồn tại phía sau và Trung Quốc chính là 1 quả bong bóng khổng lồ sắp phát nổ. Hệ thống ngân hàng Trung Quốc có rất nhiều nợ xấu, trong khi ngành công nghiệp đầy rẫy những công ty xác sống và trên khắp cả nước có không ít khu đô thị ma.
Covid-19 sẽ khiến bong bóng phát nổ?
Ban đầu, không ít người cho rằng Covid-19 sẽ biến những dự đoán bi quan thành hiện thực. Các báo cáo về virus lây từ dơi sang người rồi sau đó phát tán ở 1 khu chợ buôn bán hải sản ẩm thấp và đông đúc xác nhận định kiến về xã hội Trung Quốc lạc hậu. Câu chuyện về bác sĩ Lý Văn Lượng – người đã cố gắng cảnh báo sớm về căn bệnh lạ nhưng lại bị kỷ luật – khiến nhiều người chỉ trích.
Những biện pháp phong tỏa hà khắc gây tổn thất lớn cho kinh tế Trung Quốc. Với các nhà máy buộc phải đóng cửa, lợi nhuận của các doanh nghiệp nhà nước lao dốc, giảm tới gần 50% trong những tháng đầu năm. Doanh số bán nhà – động lực quan trọng thúc đẩy ngành xây dựng Trung Quốc bùng nổ – sụt giảm mạnh. Hai nguồn thu quan trọng đối với ngân sách của các địa phương là doanh thu thuế và nguồn thu từ bán bất động sản giảm mạnh. Người lao động đối mặt với nạn thất nghiệp và thu nhập giảm.
Lâu nay giới phân tích vẫn cảnh báo mối đe dọa lớn nhất đối với Trung Quốc là nợ. Gói kích thích 4.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 565 tỷ USD) mà nước này tung ra để giải cứu nền kinh tế khỏi khủng hoảng tài chính 2008 đã gây ra nhiều hệ lụy. Tỷ lệ nợ/GDP đã tăng từ mức 140% ở thời điểm năm 2008 lên 260% trong năm 2019. Từ IMF đến các nhà quản lý quỹ ở phố Wall hay thậm chí là các chuyên gia Trung Quốc đều cảnh báo nợ là quả bong bóng nguy hiểm đang đe dọa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Những con nợ lớn nhất – các doanh nghiệp nhà nước, các công ty bất động sản và các chính quyền địa phương – cũng chính là nhóm có thu nhập sụt giảm mạnh nhất khi Covid-19 quét qua nền kinh tế.
Trước tình hình đó, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nhận định dịch bệnh sẽ “đẩy nhanh quá trình việc làm quay trở lại với khu vực Bắc Mỹ”. Nhìn lại thời điểm cuối tháng 1, khi dịch bệnh đang hoành hành ở Trung Quốc và chưa chạm đến Mỹ, không ai có thể phủ nhận điều đó. Nhưng vài tháng sau, Trung Quốc đã có thể bước sang giai đoạn phục hồi còn Mỹ đang có 2,2 triệu ca nhiễm.
Bắc Kinh bắt đầu hành động từ ngày 1/2. Thị trường tài chính đóng cửa trong hơn 1 tuần. Kỳ nghỉ Tết nguyên đán kéo dài thêm để giữ 1,4 tỷ dân ở nguyên vị trí. Khi thị trường mở cửa trở lại, nhà đầu tư cố gắng đương đầu với một loạt tin xấu – từ số ca nhiễm tiếp tục tăng lên đến các thị trường từ Mỹ đến châu Âu đỏ lửa. Không nằm ngoài dự đoán, các chỉ số đồng loạt lao dốc.
NHTW Trung Quốc, Ủy ban giám sát hệ thống ngân hàng và bảo hiểm cùng với Ủy ban quản lý ngoại hối đã ra thông báo chung khẳng định sẽ bình ổn thị trường và bơm thêm tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ. PBOC đã bơm 1.700 tỷ nhân dân tệ vào nền kinh tế. Trung Quốc cũng hạ lãi suất, quản lý chặt các nhà đầu tư bán khống và yêu cầu các quỹ bảo hiểm vốn dồi dào tiền mặt phải mua vào cổ phiếu để cứu thị trường.
Những biện pháp này đã phát huy tác dụng. Thị trường giảm điểm là không thể tránh khỏi, nhưng cam kết hỗ trợ mạnh mẽ của Bắc Kinh giúp thị trường nhanh chóng hồi phục. Đồng nhân dân tệ – phong vũ biểu thể hiện niềm tin của nhà đầu tư – quay trở về ngưỡng an toàn. Lãi suất repo 7 ngày – chỉ số được coi là nhịp đập của hệ thống tài chính Trung Quốc – giữ ở mức thấp và ổn định, cho thấy các ngân hàng không thiếu tiền.
Sau khi củng cố hệ thống tài chính, Trung Quốc đưa ra những chính sách tập trung giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp và hộ gia đình, tránh được việc các biện pháp phong tỏa tạo ra làn sóng phá sản và thất nghiệp. Các ngân hàng được chỉ đạo nới lỏng điều kiện cho vay. Trên cả nước, các doanh nghiệp nhỏ được giãn nợ. Chính sách tài khóa tập trung vào việc giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp, khơi thông dòng tiền.
Những doanh nghiệp lớn, từ các tập đoàn nhà nước đến những ông lớn công nghệ đều chung tay hành động. Với kinh nghiệm lâu năm, các doanh nghiệp nhà nước biết cách vượt qua khủng hoảng: không vội vàng sa thải, không cắt hết đầu tư và luôn phải đảm bảo dòng tiền. Tencent và Alibaba tạo ra những phần mềm giúp chính phủ đánh giá ai có thể ra khỏi nhà một cách an toàn. Alibaba còn cung cấp các khoản vay giá rẻ cho các doanh nghiệp nhỏ và những người bán hàng rong trên phố để họ có thể sống sót qua thời kỳ phong tỏa.
Tất nhiên kết quả thu được không phải là mĩ mãn. Trung Quốc đang hướng tới năm tăng trưởng thấp nhất kể từ sau cải cách, mà theo dự đoán của Bloomberg tăng trưởng GDP sẽ giảm từ 6,1% năm 2019 xuống còn 2,1% trong năm nay. Tuy nhiên, bong bóng không vỡ. Trung Quốc đã tránh được 1 cuộc khủng hoảng khiến toàn bộ hệ thống rung chuyển. Các thị trường đều ổn định. Hệ thống ngân hàng vẫn vững vàng.
3 bí quyết của Trung Quốc
Theo Tom Orlik, tác giả của cuốn sách mới xuất bản “China: The Bubble That Never Pops” (tạm dịch: Trung Quốc – Bong bóng không bao giờ vỡ), sức mạnh của Trung Quốc nằm ở một vài điểm: nguồn vốn vững mạnh dành cho hệ thống ngân hàng, sự can thiệp của chính phủ và lợi thế cạnh tranh đến từ quy mô khổng lồ.
Hãy bắt đầu xem xét từ hệ thống ngân hàng. Báo chí đã tốn khá nhiều giấy mực để viết về khu vực tài chính của Trung Quốc. Kể từ tháng 11/2008, khi gói kích thích 4.000 tỷ tệ được tung ra, tài sản của hệ thống ngân hàng Trung Quốc đã tăng gấp hơn 4 lần. Nhìn lại lịch sử các bong bóng tín dụng, IMF nhận thấy không có bong bóng nào phát triển nhanh đến vậy, nhưng rất nhiều bong bóng dù ở quy mô nhỏ hơn đã phát nổ và gây ra khủng hoảng.
Năm 2019, những vết nứt bắt đầu xuất hiện. Baoshang Bank, 1 ngân hàng ở Nội Mông, trở thành ngân hàng đầu tiên phá sản trong vòng 20 năm trở lại đây. Số vụ vỡ nợ cũng tăng vọt. Kể cả trước thời điểm khủng hoảng Covid-19, vẫn liên tục có những lời cảnh báo về núi nợ cao chót vót và được sử dụng một cách cẩu thả ở Trung Quốc.
Nhiều người cho rằng đã đến ngày Trung Quốc phải gánh chịu hậu quả. Tuy nhiên, đó không phải là hôm nay. Các cuộc khủng hoảng tài chính không nổ ra vì tỷ lệ nợ quá cao mà vì các ngân hàng cạn tiền. Trong khủng hoảng tài chính châu Á 1997, các ngân hàng Hàn Quốc không sụp đổ vì cho các chaebol vay quá nhiều mà bởi dòng vốn nước ngoài mà họ dựa vào đã cạn kiệt. Hay như năm 2008, Lehman Brothers không sụp đổ vì đầu tư quá nhiều vào các khoản nợ dưới chuẩn mà bởi vì thị trường tiền tệ từng tài trợ cho hoạt động đó quyết định “ngắt van”.
Ở Trung Quốc, sự kết hợp giữa tỷ lệ tiết kiệm cao và chính sách kiểm soát dòng vốn chặt chẽ khiến việc thiếu vốn sẽ không trở thành vấn đề. Các ngân hàng có thể dựa vào dòng tiền gửi khá ổn định, mặc dù hoạt động cho vay còn tồn tại nhiều rủi ro, miễn là nguồn tiền của các ngân hàng vẫn vững vàng thì không có cuộc khủng hoảng nào xảy ra.
Tiếp theo là bản chất của hoạt động kinh doanh, nơi Mỹ và Trung Quốc có sự khác biệt rất lớn. Khác với Mỹ, ở Trung Quốc những ngân hàng, công ty viễn thông, hãng hàng không và các tập đoàn công nghiệp lớn nhất đều thuộc sở hữu của nhà nước. Tất nhiên mô hình này vẫn có nhiều khuyết điểm nhưng không phải là không có ưu điểm. Quyền kiểm soát trực tiếp mang đến cho các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc 1 công cụ rất mạnh để kiểm soát chu kỳ kinh tế mà cách Trung Quốc phản ứng với cú sốc Covid-19 thể hiện rất rõ điều đó. Các doanh nghiệp nhà nước không sa thải nhân viên khiến Trung Quốc không phải đối mặt với làn sóng thất nghiệp quá lớn. Trong khủng hoảng, sự phối hợp giữa chính phủ và các doanh nghiệp tạo ra sức mạnh.
Trung Quốc cũng có lợi thế về mặt quy mô. Năm 1776, Adam Smith – cha đẻ của kinh tế học hiện đại – đã khẳng định quy mô dân số lớn đem đến lợi thế cho Trung Quốc trong cuộc đua kinh tế toàn cầu. Sau khi mở cửa năm 1978 và gia nhập WTO năm 2001, Trung Quốc đã học hỏi rất nhanh. Bằng cách sử dụng nguồn lực nhà nước để thâu tóm các công nghệ mới và nhân rộng ở thị trường nội địa rộng lớn, các công ty Trung Quốc đã có được lợi thế cạnh tranh rất lớn trong các ngành từ dệt may, luyện kim cho đến những thứ phức tạp hơn như năng lượng mặt trời, tàu cao tốc và cả năng lượng hạt nhân.
Hiện GDP bình quân đầu người của Trung Quốc mới chỉ bằng 1/3 Mỹ. Tom Orlick dự báo vì Trung Quốc rất quan tâm đến các công nghệ của tương lai – từ xe điện đến robot công nghiệp và AI, tốc độ tăng trưởng GDP có thể giữ ở mức gần 5% đến năm 2025 và trong cả thập kỷ này sẽ không thấp hơn quá nhiều.
Một cán bộ ngân hàng ở tỉnh Hồ Nam từng nói có rất nhiều ngân hàng có nguy cơ phá sản như Baoshangs. Tuy nhiên, chừng nào thị trường còn tin là chính phủ Trung Quốc sẽ hậu thuẫn đến cùng, các ngân hàng này vẫn sẽ hoạt động tốt. Và chừng nào kinh tế Trung Quốc còn tiếp tục tăng trưởng thì điều đó sẽ không thay đổi.
Đến 1 ngày nào đó cuộc khủng hoảng sẽ trở nên quá lớn để Bắc Kinh có thể kiểm soát. Nhưng đại dịch “trăm năm có một” cũng đã không thể chọc vỡ quả bong bóng này thì có lẽ ngày đó vẫn còn rất xa xôi.
Tham khảo Bloomberg