Mạng lưới vận tải toàn cầu đối mặt cuộc khủng hoảng mới, đe dọa mùa mua sắm cuối năm
Rất có thể trong mùa mua sắm cuối năm 2021, người dân Mỹ và toàn thế giới sẽ phải đối mặt với tình trạng hàng hóa khan hiếm và chậm trễ. Nguyên nhân là do lũ lụt tại châu Âu và Trung Quốc làm trầm trọng thêm những bất ổn của chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang bị kéo căng hết mức.
Khu vực Tây Âu và tỉnh Hà Nam của Trung Quốc – những trung tâm vận chuyển chủ chốt và là nơi nhiều công ty lớn đặt nhà máy – đang gấp rút ứng phó với những hậu quả của những trận lũ lịch sử.
Hệ thống đường sắt được sử dụng để vận chuyển hàng hóa và nguyên vật liệu thô ở cả 2 khu vực này đều đã bị phá hủy. Trong khi đó nước tràn vào các khu công nghiệp, phá hủy nhà xưởng, máy móc và nhà kho, theo một số người trong ngành chia sẻ với CNBC.
“Dịp lễ Black Friday và mùa mua sắm cuối năm chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng”, Pawan Joshi, phó chủ tịch của công ty chuyên cung cấp phần mềm về chuỗi cung ứng E2open nói. Theo ông, “đồ điện tử gia dụng, đồ nội thất, quần áo và các đồ gia dụng khác sẽ tiếp tục bị thiếu nguồn cung trầm trọng”. Các nguyên liệu cần thiết để sản xuất hàng hóa đã, đang và sẽ tới trễ, khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn “nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng”.
Tuần trước, CEO của 1 hãng tàu cũng nói với CNBC rằng lũ lụt ở Trung Quốc và châu Âu chính là “một cú đánh mạnh” đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Kể từ đầu năm đến nay, chuỗi cung ứng toàn cầu đã bị gián đoạn nặng bởi nhiều cuộc khủng hoảng, từ thiếu container đến vụ tai nạn trên kênh đào Suez hay các ổ dịch Covid-19 khiến các cảng ở miền Nam Trung Quốc bị ảnh hưởng.
Theo ông Joshi, chắc chắn lượng đơn hàng trong mùa mua sắm cuối năm sẽ giảm và các chương trình giảm giá cũng sẽ yếu đi. Thậm chí sẽ không bất ngờ nếu giá nhiều loại hàng hóa tăng lên. Tuần trước, CEO Tim Cook của Apple phát biểu trong buổi thông báo kết quả kinh doanh rằng chi phí vận chuyển đang tăng lên quá cao.
Một vài công ty ví dụ như nhà sản xuất thép đến từ nước Đức Thyssenkrupp đã phải tuyên bố tình trạng bất khả kháng (force majeure). Một sự kiện force majeure xảy ra khi những trường hợp không thể dự đoán trước (ví dụ như thiên tai) khiến 1 bên không thể hoàn thành các trách nhiệm đã quy định trong hợp đồng. Trong trường hợp này họ sẽ không phải bồi thường vi phạm hợp đồng.
Có thể kể tên một số ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lũ lụt gồm ô tô, công nghệ và điện tử. Nhiều nhà sản xuất ô tô lớn và các nhà cung ứng của họ đều đặt nhà máy ở những vùng có lũ. Lũ lụt là “cú đánh” mới nhất mà ngành ô tô phải chịu đựng sau khi chìm trong cuộc khủng hoảng chip suốt nhiều tháng nay.
Theo Sherina Kmal, phó chủ tịch tại công ty quản lý rủi ro chuỗi cung ứng Everstream, nhiều cơ sở sản xuất ở Đức, Hà Lan, Luxembourg và Bỉ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt trong khi họ sản xuất gần như độc quyền nhiều linh kiện của ngành ô tô, công nghệ và cả ngành vũ trụ.
“Theo kế hoạch vì nước lũ đã rút, phần lớn các tuyến đường sắt và những con đường quan trọng sẽ được khơi thông trong cuối tuần vừa qua. Tuy nhiên vì một số khu công nghiệp bị ảnh hưởng quá nặng, các nhà máy sẽ chưa thể nhanh chóng hoạt động trở lại”, bà nói.
Với nhiều công ty đã đưa ra cảnh báo về lợi nhuận, thậm chí tuyên bố tình trạng bất khả kháng, những ảnh hưởng của lũ lụt lên chuỗi cung ứng chắc chắn sẽ còn kéo dài trong nhiều tuần nữa.
Klingelnberg, công ty sản xuất phanh có trụ sở tại Zurich, tuyên bố có thể bỏ lỡ mục tiêu doanh thu cho năm 2021 vì nhà máy ở Đức bị tàn phá nghiêm trọng.
Lũ lụt còn làm gián đoạn nguồn cung đồng, loại vật liệu được sử dụng trong rất nhiều sản phẩm từ đồ điện tử đến những chiếc xe điện. Tỉnh Hà Nam là trung tâm sản xuất đồng của Trung Quốc. Tuần trước giá đồng đã tăng mạnh vì những lo ngại về nguồn cung.
Tại thủ phủ Trịnh Châu, một loạt các ngành từ ô tô đến dược phẩm và công nghệ sinh học đều bị ảnh hưởng. Không chỉ là trung tâm sản xuất, Trịnh Châu còn là 1 trung tâm vận tải quan trọng và là một trong những thành phố chủ chốt trong sáng kiến Vành đai con đường. Thành phố này là nơi đặt trụ sở của 91 công ty niêm yết trải rộng trên nhiều ngành. Nổi tiếng nhất có lẽ là nhà máy lắp ráp iPhone lớn nhất thế giới của Foxconn.
Tham khảo CNBC