Tại sao người Hàn Quốc không chịu ra khỏi nhà dù Covid-19 được kiểm soát?
Nhắc đến hoạt động chống dịch Covid-19 trên thế giới, người ta thường nói đến Hàn Quốc như điển hình của sự thành công.
Theo bài bình luận mới được báo South China Morning Post, ở thời điểm cuối tháng 2/2020, Hàn Quốc là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất do đại dịch Covid-19. Hàn Quốc chỉ đứng sau Trung Quốc về số lượng các ca lây nhiễm Covid-19.
Tuy nhiên, một vài tháng sau đó, thông qua biện pháp xét nghiệm hàng loạt và theo dấu người bệnh, giờ đây, nhiều nước trên thế giới phải nhìn vào Hàn Quốc với con mắt ngưỡng mộ.
Con số đã nói lên tất cả. Ở thời điểm ngày 1/3/2020, Hàn Quốc có hơn 1.000 ca lây nhiễm mỗi ngày. Đến ngày Chủ Nhật vừa rồi, con số này chỉ còn 38 ca.
Tất nhiên, con đường chống dịch của Hàn Quốc cũng đương đầu với nhiều biến động bất thường trong thời gian qua. Ví dụ như việc khi số lượng các ca lây nhiễm đã giảm, bất ngờ số lượng các ca lây nhiễm tại câu lạc bộ đêm và trung tâm thương mại điện tử lại tăng lên.
Dù vậy, Hàn Quốc vẫn có thể coi là cực kỳ thành công bởi đã không cần phải áp dụng đến những biện pháp phong tỏa gắt gao như nhiều nước khác trên thế giới.
Hàn Quốc có khôi phục lại được cuộc sống bình thường sau đại dịch không?
Rõ ràng, có quá nhiều yếu tố để vui mừng. Thế nhưng trong trạng thái bình thường mới, nhiều chuyên gia không khỏi đặt câu hỏi: Nếu Hàn Quốc đang thực sự chống dịch hiệu quả, tại sao có nhiều người vẫn chọn ở nhà?
Theo các số liệu thống kê, dù rằng Hàn Quốc được coi như một trong những nơi an toàn nhất thế giới để có thể ra ngoài, hiện giờ nhiều người Hàn Quốc vẫn không muốn quay trở lại chỗ làm, trường học và các địa điểm tôn giáo.
Nhiều chuyên gia cho rằng đại dịch Covid-19 có thể đã tạo ra thay đổi dài hạn về hành vi tại một trong những đất nước mà người dân làm việc chăm chỉ nhất thế giới. Nhìn vào những gì diễn ra tại Hàn Quốc, chính phủ những nước khác có thể nhìn trước được điều gì sẽ diễn ra tại nước họ khi mà tình hình dịch bớt căng thẳng.
Hàn Quốc nổi tiếng là một dân tộc làm việc chăm chỉ. Theo nghiên cứu của OECD năm 2016, người Hàn Quốc làm việc nhiều hơn người dân bất kỳ nước phát triển nào: mỗi năm người Hàn Quốc làm việc trung bình 2.069 tiếng.
Giáo sư tại viện nghiên cứu Yeosijae, ông Lee Myung-ho, tin rằng chính sách làm việc tại nhà được đưa ra trong thời kỳ đại dịch căng thẳng giờ đây đã giúp cho những người nghiện việc còn càng nghiện việc hơn nữa.
Trước đại dịch Covid-19, chỉ chưa đầy 1% người lao động Hàn Quốc từng có trải nghiệm làm việc tại nhà. Tuy nhiên tính đến thời điểm tháng 4/2020, tỷ lệ này đã lên mức 60%. 80% người lao động cho biết họ sẽ vẫn tiếp tục làm việc tại nhà nếu được cho phép.
Không chỉ riêng các công ty lớn như Samsung hay SK Telecom đã áp dụng chính sách làm việc tại nhà khi dịch bệnh căng thẳng, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đưa ra chính sách tương tự. Từ cuối tháng 2/2020 đến cuối tháng 5/2020, 4.366 doanh nghiệp nhỏ và vừa đã nhận được tiền hỗ trợ và nhờ vậy 47.435 người lao động đã được cho phép làm việc linh hoạt tại nhà.
Ông Lee nhấn mạnh điều này thực sự chưa từng có ai nghĩ đến trước đây.
Ông Lee nói: “Theo văn hóa công sở Hàn Quốc, tính kỷ luật rất quan trọng, người lao động được kỳ vọng phải làm như vẻ họ làm việc chăm chỉ trước mặt sếp, việc làm việc khi không đến công ty và sự giám sát của người chủ bao lâu nay được cho là không phù hợp với văn hóa công sở”.