“Chết” vì Covid, “sống” nhờ Covid: Câu chuyện phá sản và hồi sinh của hãng cho thuê xe Hertz

Trong lĩnh vực đầu tư, luôn có những hiện tượng mà ngay cả những nhà đầu tư kỳ cựu cũng khó lý giải nổi. Câu chuyện của công ty cho thuê xe Mỹ Hertz Global Holdings là một ví dụ.

Từng phá sản và cổ phiếu bị coi như mớ giấy lộn, Hertz giờ đây hồi sinh mạnh mẽ và mang lại “trái ngọt” cho những nhà đầu tư giữ vững niềm tin.

Cách đây một năm, khi Covid mới trở thành đại dịch toàn cầu, hoạt động kinh doanh của Hertz – “gã khổng lồ” cho thuê xe hơn 100 năm tuổi, từng vượt qua Đại suy thoái 1930 và Chiến tranh Thế giới thứ hai – gần như ngay lập tức rơi vào tê liệt. Khi lệnh phong toả được triển khai ở Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới để chống lại sự lây lan của virus corona, hoạt động đi lại ngưng trệ…

“CHẾT” VÌ ĐẠI DỊCH COVID-19

Ở thời điểm đó, Hertz có tổng cộng 568.000 xe và 12.400 chi nhánh, bao gồm cả chi nhánh nhượng quyền trên toàn thế giới, 1/3 trong số cơ sở này đặt tại các sân bay. Khách thuê sụt giảm chóng mặt, thậm chí bằng 0 ở nhiều nơi, xe chất đống trong các bãi đỗ. Hertz trở thành một vụ phá sản mà giới phân tích cho là điển hình trong đại dịch Covid, bên cạnh những hãng bán lẻ truyền thống có tên tuổi như JC Penny, Neiman Marcus, hay J.Crew.

Các nhà đầu tư chuyên nghiệp không ai nghĩ đến việc bỏ tiền mua cổ phiếu Hertz khi công ty có trụ sở ở Florida này đệ đơn phá sản. Họ coi mọi sự đối với Hertz thế là chấm hết.

Không muốn bị xoá sổ hoàn toàn, Hertz nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 của Luật Phá sản Mỹ. Bằng cách này, Hertz tiếp tục hoạt động trong thời gian tái cơ cấu nợ dưới sự bảo trợ của toà án. 12.000 nhân viên tại khu vực Bắc Mỹ bị sa thải, giá cổ phiếu giảm 82% trong chưa đầy nửa năm, nguồn tiền mặt “vét quỹ” công ty chỉ còn khoảng 1 tỷ USD… là một vài con số nói lên tình trạng bi đát của Hertz vào tháng 5/2020.

Các nhà đầu tư chuyên nghiệp không ai nghĩ đến việc bỏ tiền mua cổ phiếu Hertz khi công ty có trụ sở ở Florida này đệ đơn phá sản. Họ coi mọi sự đối với Hertz thế là chấm hết. Vả lại, trong lúc đại dịch hoành hành và thị trường chứng khoán thế giới lao dốc chóng mặt, tâm lý ham thích rủi ro cũng sụt giảm theo.

Nhưng vẫn có những nhà đầu tư cá nhân – những người có thể không dày dạn kinh nghiệm đầu tư và kiến thức tài chính –  giữ một niềm tin rằng Hertz sẽ trở lại. Họ đã mua cổ phiếu Hertz ở thời điểm công ty phá sản, khi giá cổ phiếu này xuống đáy chưa đầy 1 USD/cổ phiếu vào mùa hè năm ngoái.

Zack Konovitch, 33 tuổi, một nhà môi giới bất động sản ở Brooklyn, New York, cho biết đã bỏ 15.000 USD mua Hertz vào lúc cổ phiếu này chạm đáy. “Lúc đó, tôi luôn nghĩ sẽ có ai đó sẽ xuất hiện và mua lại Hertz, vì công ty này là một trong những nhà cho thuê xe lớn nhất thế giới”, Knovitch nói.

Giờ là lúc những nhà đầu tư như Konovitch có thể ăn mừng. Cách đây hơn một tuần, Toà án bảo hộ cho vụ phá sản của Hertz đã phê chuẩn việc chuyển giao quyền kiểm soát Hertz cho một nhóm nhà đầu tư tổ chức. Nhóm nhà đầu tư này đã chiến thắng trong một cuộc đua khốc liệt để có được Hertz, khi triển vọng của công ty ngày càng sáng cùng lúc với quy trình phá sản tiến tới hoàn tất.

Hertz dự kiến cổ đông của công ty sẽ nhận được giá trị hơn 7 USD/cổ phiếu, thậm chí là 8 USD/cổ phiếu, từ thoả thuận này.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu (21/5), giá cổ phiếu Hertz trên thị trường OTC là 6,6 USD/cổ phiếu, tăng hơn 7% so với chốt phiên trước đó. Sở Giao dịch chứng khoán New York (NYSE) đã huỷ niêm yết cổ phiếu Hertz vào tháng 10 năm ngoái, 5 tháng sau khi công ty nộp đơn phá sản.

Tờ Wall Street Journal cho rằng câu chuyện của Hertz là một trong những hiện tượng khó lý giải của thời đại Covid-19, khi làn sóng nhà đầu tư cá nhân – những người buồn chán vì phải ở nhà lâu nên tập trung lại trên diễn đàn Reddit – trở thành một lực lượng hùng hậu khiến thị trường rung chuyển nhiều phen. Trong số đó phải kể đến “cơn điên” cổ phiếu GameStop hay đồng tiền ảo Dogecoin được tạo ra như một trò đùa.

“SỐNG LẠI” CŨNG NHỜ ĐẠI DỊCH

Điểm thú vị trong câu chuyện của Hertz là Covid-19 đã đẩy Hertz tới đường cùng, nhưng cũng chính Covid-19 lại mở ra cho công ty này con đường để đi tới một cái kết có hậu.

Khi một công ty tái cơ cấu theo Chương 11 như trường hợp của Hertz, công ty đó phải thoả mãn các chủ nợ trước khi cổ đông có thể nhận bất kỳ thứ gì. Trong các vụ phá sản như vậy, cổ đông đa phần mất trắng. Nhưng cổ đông Hertz thì khác, họ quá may mắn vì không những không mất trắng mà còn lãi lớn nhờ kiên trì nắm giữ cổ phiếu cho tới ngày công ty hoàn tất quy trình phá sản.

Câu chuyện của Hertz là một trong những hiện tượng khó lý giải của thời đại Covid-19, khi làn sóng nhà đầu tư cá nhân – những người buồn chán vì phải ở nhà lâu nên tập trung lại trên diễn đàn Reddit – trở thành một lực lượng hùng hậu khiến thị trường rung chuyển…

Ngay từ tháng 6/2020, các nhà đầu tư cá nhân đã bắt đầu gom mạnh cổ phiếu Hertz, với niềm tin sẽ đến ngày công ty này hồi phục. Giữa họ với các nhà đầu tư tổ chức, không chắc ai khôn ngoan hơn, những rõ ràng, quan điểm của họ gần với thực tế hơn những nhà đầu tư tổ chức đã bán tháo cổ phiếu Hertz.

Trong số những nhà đầu tư lão làng bán tống bán tháo cổ phiếu Hertz sau khi công ty này đệ đơn phá sản là quỹ của tỷ phú Carl Icahn. Quỹ này đã bán hơn 55 triệu cổ phiếu Hertz, tương đương gần 40% tổng số cổ phiếu nắm giữ, với mức giá chỉ 72 cent/cổ phiếu.

Sự hồi sinh của cổ phiếu Hertz thực ra không phải là kết quả từ sự tập trung lực lượng trên những diễn đàn như WallStreetBets thuộc Reddit – nơi “tiếp lửa” cho cơn sốt cổ phiếu GameStop. Thay vào đó, nhiều nhà giao dịch nói rằng Hertz hưởng lợi từ sự truyền miệng và những cuộc trò chuyện trên mạng xã hội giữa những người tin tưởng rằng công ty có bề dày lịch sử này sẽ trở lại.

Khi Hertz đâm đơn phá sản theo Chương 11, Pat Huber, 38 tuổi, ở San Clemente California, nhận thấy rằng công ty này đủ lớn để có thể nhận được sự hậu thuẫn từ các quỹ đầu tư lớn.

Những nhà đầu tư cá nhân có niềm tin như Huber đã đưa cổ phiếu Hertz từ mức đáy 56 cent/cổ phiếu ngay sau khi công ty đệ đơn phá sản vào ngày 22/5/2020 lên mức 5,5 USD/cổ phiếu vào thời điểm chỉ 2 tuần sau đó, tương đương mức tăng gần 900%. Sau rất nhiều sóng gió, trái ngọt cho nhà đầu tư chỉ thực sự đến vào ngày 14/5/2021, khi quy trình bảo hộ phá sản chính thức hoàn tất.

Huber cho biết sau khi trò chuyện với một người bạn, anh đã quyết định mua 300 cổ phiếu Hertz với giá 5,35 USD/cổ phiếu vào tháng 6/2020. Tiếp đó, Hertz tiếp tục trồi sụt mạnh, có lúc giảm dưới 1 USD/cổ phiếu. Huber nhân cơ hội giá giảm để mua thêm, cuối cùng gom được 3.000 cổ phiếu. Anh đã bán khoảng 1/3 số cổ phiếu này vào đầu tháng 5/2021 với giá khoảng 3 USD/cổ phiếu và giờ đang tiếc hùi hụi. “Tôi tự trách mình vì hoảng sợ và bán quá sớm”, anh nói.

Trong số những công ty lớn phá sản vì đại dịch, Hertz có lẽ là một trong số ít những câu chuyện kết thúc tốt đẹp. Cổ phiếu hãng bán lẻ JC Penny và hãng năng lượng Chesapeake Energy cũng có lúc tăng vọt sau khi công ty nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Nhưng không giống như Hertz, những công ty này không thu hút được đủ sự quan tâm của các nhà đầu tư để giải quyết được nợ nần, nên cổ đông đành chấp nhận gần như mất trắng.

Theo luật sư Andrew Glenn, người tư vấn cho một nhóm quỹ đầu cơ nắm cổ phần trong Hertz, trong câu chuyện của Hertz, quyết định câu chuyện phục hồi của Hertz là “yếu tố nền tảng trong kinh doanh, vì Hertz sẽ hưởng lợi nhiều từ sự phục hồi kinh tế sau đại dịch”.

Hoạt động đi lại ở Mỹ và châu Âu đang tăng mạnh vì người tiêu dùng – đã được tiêm phòng Covid và nóng lòng được đi du lịch sau hơn một năm “cấm túc” – sẵn sàng chi mạnh tay cho các chuyến đi. Ngoài ra, nguồn cung xe cho thuê tại nhiều quốc gia đang hạn chế – một phần do cuộc khủng hoảng thiếu con chip đe dọa ngành công nghiệp ô tô – cũng đẩy giá thuê xe và tỷ suất lợi nhuận của các công ty cho thuê xe lên cao hơn.

Previous post Shark Linh chia sẻ chuyện được cô chủ hàng bún bò mời thử ăn món mới và kết quả có ngay một bài học đáng để đời
Next post Agribank chào bán khoản nợ trăm tỷ thế chấp bằng 6 triệu cổ phần EVF