Trả đũa Australia, Trung Quốc gánh hậu quả với những thành phố chìm trong bóng tối?
Theo Bloomberg, một số thành phố lớn của Trung Quốc được cho là chìm trong bóng tối khi chính quyền hạn chế sử dụng điện với lý do thiếu than đá. Các nhà phân tích cho biết giá hàng hóa này ở Trung Quốc đã tăng vọt do cuộc khủng hoảng được thông báo.
Tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc được đưa ra sau khi căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Australia gia tăng. Điều này khiến nhiều nhà phân tích cho rằng tình trạng thiếu than và mất điện có liên quan tới lệnh cấm không chính thức mà Trung Quốc áp dụng với than nhập khẩu từ Australia.
Năm ngoái, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Australia trở nên tồi tệ sau khi quốc gia châu Đại dương ủng hộ một cuộc điều tra quốc tế về cách Trung Quốc xử lý đại dịch Covid-19. Than đá chỉ là một trong danh sách ngày càng dài những mặt hàng của Australia bị Trung Quốc nhắm đến trong cuộc chiến thương mại mà nước này phát động.
Năm ngoái, Trung Quốc đã yêu cầu các nhà máy điện của mình hạn chế nhập than từ các nước khác để giữ giá. Bắc Kinh được cho là đỡ dỡ bỏ những hạn chế sau đó nhưng không dỡ bỏ hạn chế đối với than nhập khẩu từ Australia.
Trung Quốc cũng được cho là đã đưa ra thông báo bằng miệng cho các công ty điện lực nhà nước và các nhà máy thép ngừng nhập khẩu than của Australia.
Trung Quốc là nước tiêu thụ than lớn nhất thế giới và nguồn nhập khẩu than lớn nhất của Trung Quốc là Australia. Than là nguồn năng lượng mà nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chủ yếu dựa vào, ngay cả khi họ đã cam kết với các kế hoạch cho năng lượng tái tạo. Trung Quốc là quốc gia mua than nhiệt lớn thứ 2 của Australia, một loại than được sử dụng để sản xuất điện.
Hạn chế nhập than dẫn tới mất điện?
Giá than ở Trung Quốc đã tăng vọt do thiếu hụt nguồn cung. Công ty nghiên cứu Wood Mackenzie dự đoán chúng sẽ ở mức cao trong giai đoạn nhu cầu sử dụng điện cao điểm vào mùa đông. “Thị trường than nhiệt Trung Quốc đang hỗn loạn, giá tăng vọt từ ngày 3/12”, Wood Mackenzie cho biết.
Báo cáo cũng đề cập đến việc phân bổ điện “đã bắt đầu” ở các tỉnh Hồ Nam và Chiết Giang do tình trạng thiếu hụt và “có rất ít phạm vi” để tăng cường sản lượng từ các nhà sản xuất Trung Quốc. Các thành phố, chủ yếu ở miền nam đất nước, đã áp đặt các lệnh giới hạn sử dụng điện ngoài giờ cao điểm cho các nhà máy kể từ giữa tháng 12. Thậm chí, tại Trung tâm công nghệ của Thâm Quyến, cắt điện luân phiên kéo dài tới 1 tuần.
Hiện tại, vẫn chưa rõ các vụ mất điện ở Trung Quốc xảy ra ở mức độ nào. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế cấp cao Marcel Thieliant tại công ty nghiên cứu Capital Economics cho biết các vụ mất điện là minh chứng cho thấy Trung Quốc sẵn sàng làm nhiều điều để gây tổn hại cho Australia.
Trên thực tế, các nhà chức trách Trung Quốc không liên kết vấn đề mất điện với sự căng thẳng trong mối quan hệ với Australia hay các lệnh hạn chế nhập khẩu than. Thay vào đó, họ cho rằng việc hạn chế sử dụng điện là do nhu cầu đặc biệt cao và việc bảo trì định kỳ.
Hồi tháng 12, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cho biết đất nước này sử dụng điện nhiều hơn 11% so với 1 năm trước đó. Cụ thể, sự phục hồi kinh tế nhanh chóng, thời tiết mùa đông lạnh giá và nguồn cung hạn chế khiến một số khu vực bị hạn chế sử dụng điện. Nhập khẩu than của Trung Quốc trong tháng 11/2020 cũng đã giảm 44% so với năm ngoái.
Bên cạnh đó, việc nhiệt độ thấp kỷ lục được ghi nhận ở nhiều khu vực khiến Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc dự báo nhu cầu về điện sẽ gia tăng.
Sự thay đổi của dòng chảy than
Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã nỗ lực chuyển sang các nguồn năng lượng thay thế cho than. Các nhà phân tích lưu ý điều này có thể dẫn đến sự thay đổi dòng chạy thương mại vì than của Australia, một trong những mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của đất nước này, trở thành nạn nhân mới nhất của cuộc chiến thương mại.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng diễn biến này sẽ tác động hạn chế đối với nhu cầu tổng thể của than Australia vì quốc gia này sẽ tìm thấy những thị trường khác cho sản phẩm của mình.
“Dòng chảy thương mại sẽ thay đổi khi than của Australia tìm kiếm những điểm đến mới và khối lượng than cốc ngoài Australia chuyển tới Trung Quốc nhiều hơn”, Wood Mackenzie cho biết.
Tương ứng, sự thay đổi trong dòng chảy của than cũng sẽ khác. Dữ liệu nhập khẩu của Trung Quốc cho thấy tổng nhập khẩu than của nước này từ Mông Cổ, Canada và Nga đang tăng lên. Tháng trước, Trung Quốc đã ký một thỏa thuận với Indonesia để mua lượng than nhiệt trị giá 1,5 tỷ USD.
Wood Mackenzie nhận định Trung Quốc vẫn đang thiếu than. “Chúng tôi nghi ngờ khả năng Trung Quốc có thể giảm nỗ lực vào than nhập khẩu nói chung trong những năm tới. Cần có thời gian để những nỗ lực của Trung Quốc đạt được hiệu quả”.
Tuy nhiên, các động thái từ Chính phủ Trung Quốc nhằm đạt được các mục tiêu cắt giảm khí thải carbon có thể khiến các công ty nước này phải nỗ lực tiến lên phía trước nhằm tìm cách thay thế các loại nhiên liệu hóa thạch.