Donald Trump đã đánh mất nước Mỹ như thế nào?
Dù đã để thua trước đối thủ Joe Biden, Donald Trump đã có thứ mà ông mong muốn nhất: 1 cuộc bầu cử mà ông là trung tâm. Bất chấp những tín hiệu cảnh báo rằng các cử tri ở nhiều bang trên khắp đất nước không hài lòng với ông, vị Tổng thống với tính cách phô trương và những phát ngôn gây sốc cố gắng thuyết phục rằng tầm nhìn của ông về nước Mỹ là thứ đúng đắn.
Trong các sự kiện vận động tranh cử, các bài phát biểu, các quảng cáo chiến dịch và những bài đăng trên Twitter của ông Trump hiện lên 1 nước Mỹ mà trong đó virus đã biến mất, nền kinh tế đang hưng thịnh trở lại, người da màu và người Mỹ gốc Latinh có cuộc sống tốt hơn bao giờ hết, phụ nữ ở các vùng ngoại ô ca ngợi sự bảo vệ của ông, các kẻ thù sợ hãi trước ông.
Nhưng bức tranh đó đã không thuyết phục được các cử tri. Chiến thắng của cựu Phó Tổng thống Joe Biden là minh chứng rõ ràng cho thấy nước Mỹ mà ông Trump vẽ nên không phải là nước Mỹ mà họ nhìn thấy hoặc thứ mà họ mong muốn.
Nhưng các cử tri cũng không phản đối ông Trump và đảng Cộng hoà quá mạnh mẽ như những gì đảng Dân chủ dự đoán. Thay vào đó, những lá phiếu đem đến 1 cuộc chạy đua nghẹt thở. Đảng Cộng hoà bất ngờ có thêm quyền lựcở Hạ viện (mặc dù đảng Dân chủ vẫn kiểm soát Hạ viện) và vẫn giữ được Thượng viện. Cấu trúc quyền lực ở lưỡng viện không thay đổi sau cuộc bầu cử.
Nếu ví nước Mỹ như 1 công ty, có thể nói các cử tri Mỹ đã quyết định thay CEO nhưng vẫn giữ nguyên hội đồng quản trị.
Kết quả này cũng phản ánh tình thế tiến thoái lưỡng nan mà Sarah Longwell, 1 chiến lược gia của đảng Cộng hoà, miêu tả: “Tâm trạng mà tôi gặp ở rất nhiều cử tri là tôi không nghĩ tôi có thể bầu cho ông Trump một lần nữa… nhưng tôi cũng không tin vào đảng Dân chủ”.
Thực tế là ông Trump chưa từng nhận được sự ủng hộ của tất cả người dân Mỹ. Năm 2016, số phiếu phổ thông mà bà Clinton giành được cao hơn ông Trump rất nhiều. Trong suốt nhiệm kỳ, mức tín nhiệm của ông chưa bao giờ quá 50%. Trên các vấn đề chủ chốt mà ông Trump để lại nhiều dấu ấn như thương mại và nhập cư, ông vấp phải sự phản đối khá gay gắt.
Với hơn 236.000 người Mỹ đã thiệt mạng vì Covid-19 và hiện con số người chết mỗi ngày vẫn là hơn 1.000 ca, các cử tri run sợ trước virus chọn quay lưng với vị Tổng thống tỏ ra không hào hứng với chuyện đối đầu với cuộc khủng hoảng y tế chết người này.
“Covid thay đổi mọi điều về cuộc bầu cử này”, Lynn Vavreck, giáo sư khoa học chính trị tại ĐH California, Los Angeles nói. “Khó có thể nói rằng câu chuyện của năm 2020 là điều gì khác”.
Ông Biden và Thượng nghị sĩ của bang California, bà Kamala Harris là những người hưởng lợi từ nỗi sợ hãi và hoang mang của dân chúng trong bối cảnh các thành tựu về kinh tế của ông Trump có thể bù đắp các vấn đề khác. Năm 2008, khi Mỹ ở trong Đại suy thoái, khảo sát của Gallup cho thấy 86% người Mỹ nhận định kinh tế là “vấn đề quan trọng nhất của quốc gia”. Ngày nay, dù kinh tế Mỹ suy thoái trầm trọng hơn cả thời kỳ đó, chỉ 9% coi kinh tế là vấn đề hàng đầu. Khoảng 50% nhận định sự lãnh đạo của chính phủ và virus corona là các vấn đề quan trọng nhất.