Chứng khoán, tiền tệ Malaysia rớt thảm khi quốc gia này ban bố tình trạng khẩn cấp vì Covid-19

Ngày 12/1, Nhà vua Malaysia Al-Sultan Abdullah chính thức ban bố tình trạng khẩn cấp trên khắp đất nước. Nó sẽ kéo dài tới 1/8/2021 hoặc ngắn hơn nếu dịch bệnh được kiểm soát. Các biện pháp kiên quyết nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 đã ngay lập tức tác động lên thị trường tài chính nước này.

Sau thông báo, chênh lệnh của cặp đôi tiền tệ Ringgit và USD đã tăng lên mức 1 USD đổi 4,074 ringgit, tương đương mức tăng 0,54% so với phiên giao dịch trước đó. Cuối phiên, mức chênh lệch của cặp tiền tệ này vẫn duy trì ở mức 0,27% so với phiên giai dịch ngày đầu tuần với 4,061 ringgit đổi 1 USD.

Trong khi đó, chỉ số FTSE Bursa Malaysia KLCI đã rơi 1,45% so với phiên giao dịch trước đó.

Mặc dù ban bố tình trạng khẩn cấp nhưng Malaysia không áp đặt lệnh giới nghiêm và đảm bảo các hệ thống vẫn hoạt động liên tục. Dẫu vậy, trong giai đoạn này, Quốc hội Malaysia sẽ bị đình chỉ họp và không thể tổ chức bầu cử trong thời gian này.

Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin cũng cho biết các hoạt động kinh doanh vẫn tiếp tục. Việc ban bố tình trạng khẩn cấp nhằm giúp quốc gia Đông Nam Á này lấy lại “sự bình tĩnh và ổn định cần thiết”.

Tình trạng khẩn cấp ở Malaysia được đưa ra khi số ca mắc Covid-19 ở nước này tăng vọt trong những tháng gần đây. Tuần trước, số ca mắc hàng ngày ở Malaysia lần đầu vượt trên 3.000, mức cao nhất kể từ đầu đại dịch tới nay.

Hiện tại, Malaysia có 138.200 trường hợp mắc Covid-19 với 555 người tử vong. Một ngày trước khi tình trạng khẩn cấp được ban bố trên toàn quốc, Chính phủ của ông Muhyiddin đã ban hành lệnh hạn chế đi lại cũng như phong tỏa 2 tuần ở một số tiểu bang và vùng lãnh thổ vì dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng.

“Tình hình lúc này thực sự rất đáng báo động. Hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng ta đang chịu áp lực rất lớn, lớn hơn bất kể thời điểm nào khác kể từ đại dịch bùng lên”, Thủ tướng Muhyiddin cho biết.

Bên cạnh vấn đề dịch bệnh, việc công bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc dường như sẽ tác động mạnh đến nền chính trị của quốc gia Đông Nam Á này. Hiện tại, những người ủng hộ Thủ tướng Muhyiddin đang chiếm đa số trong Quốc hội. Tuy nhiên, vị thủ tướng này phải đối mặt với áp lực từ chính liên minh cầm quyền về việc tổ chức một cuộc bầu cử nhanh chóng, dự kiến được tổ chức trong tháng 3.

Tuy nhiên, việc ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc đã khiến việc này bị đình trệ. Đồng nghĩa với đó, ông Muhyiddin sẽ tiếp tục đảm trách cương vị Thủ tướng Malaysia cho tới khi các biện pháp nghiêm ngặt này được gỡ bỏ.

Ông Muhyiddin, 74 tuổi, trở thành Thủ tướng Malaysia 5 ngày sau khi người tiền nhiệm Mahathir Mohamad bất ngờ đệ đơn từ chức vào ngày 24 tháng 2 năm 2020. Việc thành lập được một liên minh chiếm đa số trong Quốc hội đã giúp ông Muhyiddin ngồi vào ghế nóng ở Malaysia. Tuy nhiên, ngay cả các đảng trong liên minh, họ cũng muốn tổ chức bầu cử sớm.

Previous post Nguồn cung văn phòng Tp.HCM dịch chuyển mạnh ra ngoài trung tâm
Next post BIDV chuẩn bị chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25,77%