Công ty mẹ TikTok hoãn IPO vô thời hạn sau cảnh báo của Bắc Kinh
Theo nguồn tin của Wall Street Journal, ByteDance – công ty mẹ của ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok – đã hoãn vô thời hạn kế hoạch niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở Mỹ hoặc Hồng Kông, sau khi chính phủ Trung Quốc yêu cầu công ty này tập trung giải quyết những rủi ro liên quan tới an ninh dữ liệu của người dùng.
Trước đó, ByteDance, được định giá 180 tỷ USD trong vòng gọi vốn vào tháng 12 năm ngoái, cân nhắc IPO tất cả hoặc một số công ty con tại thị trường chứng khoán Mỹ hoặc Hồng Kông. Hồi tháng 3, người sáng lập công ty, Zhang Yiming, cho rằng sẽ “khôn ngoan hơn” nếu hoãn kế hoạch này sau các cuộc họp với Cơ quan Quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) và Ủy ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc (CSRC).
Tại các cuộc họp này, ByteDance được yêu cầu tập trung giải quyết rủi ro về an ninh dữ liệu cũng như một số vấn đề khác – nguồn thạo tin cho biết. Ngoài ra, thời điểm đó ByteDance cũng không có giám đốc tài chính để xúc tiến IPO.
Động thái thận trọng của ByteDance trái ngược hoàn toàn với Didi Global , công ty đứng sau ứng dụng gọi xe hàng đầu Trung Quốc – Didi Chuxing. Trước đó, nguồn tin từ Wall Street Journal cho biết Didi đã xúc tiến IPO bất chấp quan ngại của cơ quan an ninh mạng rằng dữ liệu người dùng mà công ty đang nắm giữ có thể rơi vào tay nước ngoài.
Tháng trước, Didi chính thức lên sàn chứng khoán New York, huy động 4,4 tỷ USD. Đây là một trong những vụ IPO lớn nhất của một công ty Trung Quốc tại Mỹ. Nhưng không lâu sau đó, công ty này bị CAC điều tra và ứng dụng Didi Chuxing bị yêu cầu gỡ bỏ khỏi các cửa hàng ứng dụng ở Trung Quốc. Sau đó, 25 ứng dụng khác liên quan tới Didi cũng bị yêu cầu gỡ bỏ.
Từ tháng 11/2020, Bắc Kinh đã tăng cường giám sát các công ty công nghệ trong nước nước bằng một chiến dịch siết quản trên quy mô lớn cùng những quy tắc mới nhằm quản lý hoạt động thu thập dữ liệu và an ninh mạng. Một số “đại gia” công nghệ, bao gồm Alibaba Group Holding và công ty giao hàng trực tuyến Meituan, đã bị điều tra và giám sát.
Nhà chức trách Trung Quốc quan ngại rằng dữ liệu mà các hãng công nghệ nước này thu thập có thể bị tiết lộ do các quy định công bố thông tin liên quan tới việc IPO tại Mỹ.