Trung Quốc sẽ làm gì để ngăn chặn “sóng thần” từ vụ vỡ nợ của Evergrande
Nếu những tai ương từ Evergrande tiếp tục lan sang toàn bộ thị trường bất động sản hoặc Bắc Kinh không hành động đủ nhanh để tái cơ cấu lại các hoạt động kinh doanh và các khoản nợ trong nước một cách có trật tự, tình trạng hỗn loạn tài chính quy mô lớn ở Trung Quốc có thể không còn là điều xa vời.
Vào ngày 9/12, 3 ngày sau khi hạn chót trôi qua mà các trái chủ không nhận được gì ngoài sự im lặng của Evergrande, một công ty xếp hạng tín dụng lớn tuyên bố Evergrande đã vỡ nợ trái phiếu.
Thông báo của Fitch Ratings khi xếp Evergrande vào mức “vỡ nợ hạn chế” có nghĩa là Evergrande đã chính thức vỡ nợ nhưng vẫn chưa tham gia vào bất kỳ hình thức đệ đơn phá sản, thanh toán nợ hoặc bất kỳ quy trình dừng hoạt động nào khác.
Trước đây, những tập đoàn lớn và quan trọng như Evergrande gần như sẽ được cứu. Bất động sản đóng vai trò quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc. Đây là lĩnh vực nắm giữ hầu hết tài sản hộ gia đình, một khoản nợ khổng lồ đối với các ngân hàng của Trung Quốc và gắn liền với 1/5 hoạt động kinh tế.
Tuy nhiên, Chủ tịch Tập Cận Bình đã chứng tỏ khả năng chấp nhận rủi ro cao hơn nhiều của nền kinh tế Trung Quốc. Những gì Evergrande trải qua là kết quả trực tiếp của một chính sách khắt khe mới nhằm kiểm soát ngành bất động sản của đất nước tỷ dân.
Miễn là có thể kiểm soát được sự ổn định tài chính, Trung Quốc có thể bỏ qua lợi ích của một số trái chủ, đặc biệt là trái chủ nước ngoài, để phục vụ các mục tiêu chính sách lớn hơn.
Một trong những giải pháp mà Trung Quốc có thể thực hiện đó là để một nhóm chính quyền địa phương và các nhà phát triển bất động sản khác tiếp quản hoạt động kinh doanh và các dự án khác chưa hoàn thành của Evergrande. Một số chính quyền địa phương còn đưa ra yêu cầu ngừng cho vay bất động sản đối với Evergrande để ngăn chặn nguy cơ lây lan rộng.
Nếu có một giải pháp sớm xuất hiện và Bắc Kinh hành động để nới lỏng chính sách tiền tệ tổng thể, đó sẽ là tia hy vọng để lạc quan rằng Trung Quốc có thể tránh được một cuộc suy thoái tài sản nghiêm trọng. Hiện tại, Trung Quốc dường như không thể tránh khỏi tác động đáng kể đối với tăng trưởng vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Nhưng nếu Bắc Kinh hành động dứt khoát, nước này vẫn có thể tránh được những điều tồi tệ hơn.
Về phía Evergrande, tập đoàn cho biết họ sẽ tích cực tham gia với các chủ nợ để đưa ra kế hoạch tái cơ cấu. Tập đoàn này có kế hoạch đưa toàn bộ trái phiếu phát hành ở nước ngoài và các nghĩa vụ nợ tư nhân vào kế hoạch. Đây có thể là cuộc tái cơ cấu nợ lớn nhất Trung Quốc từ trước đến nay.
Tuy nhiên, rõ ràng là Bắc Kinh vẫn sẽ đóng một vai trò nhất định. Giới chức tỉnh Quảng Đông cho biết sẽ cử một nhóm đến Evergrande theo yêu cầu của công ty, nhằm hỗ trợ và giảm thiểu rủi ro.
Từng là nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc, Evergrande đang ngập trong “núi nợ” lên đến hơn 300 tỷ USD, tương đương 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc, trong đó trái phiếu thị trường quốc tế là 19 tỷ USD.