200 năm thăng trầm của DuPont và mối quan hệ đặc biệt hé lộ góc nhìn của ông Biden về giới doanh nghiệp Mỹ
Mối quan hệ đặc biệt
Gần như trong cả cuộc đời Joe Biden, DuPont là nhà tuyển dụng lớn nhất ở Delaware, quê nhà của Biden. Cũng có thể coi đây là nhà từ thiện lớn nhất đã tài trợ cho rất nhiều trường học, thư viện, rạp hát ở địa phương.
Năm 29 tuổi, ông Biden lần đầu tiên nỗ lực tranh cử làm Thượng nghị sĩ cùng với các nhân viên của DuPont. Họ cùng nhau mở văn phòng chiến dịch tranh cử nằm bên đường cao tốc được xây dựng và đặt tên theo tập đoàn hóa chất khổng lồ này. Mặc dù Biden thường xuyên chỉ trích hành vi trốn thuế của các tập đoàn lớn, ông lại cho rằng Dupont là 1 “doanh nghiệp có lương tâm” khi áp dụng mức thuế suất cao hơn. Năm 1972, ông đã ăn mừng chiến thắng được mong đợi bấy lâu tại khách sạn Hotel du Pont.
4 thập kỷ sau, trên cương vị Phó Tổng thống dưới thời Obama, ông chứng kiến DuPont gặp nhiều khó khăn, bị cổ đông chủ động tấn công, buộc phải bán khách sạn, sa thải CEO, sáp nhập với 1 công ty khác rồi lại chia làm 3 và sa thải 1/4 nhân viên đang làm việc tại Delaware.
Ông Biden hiếm khi công khai trực tiếp nhắc đến tên DuPont, nhưng theo những người thân cận thì trong các cuộc nói chuyện riêng tư ông thường xuyên lấy quá trình tái cấu trúc và thu hẹp của DuPont làm ví dụ cho những lỗ hổng của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Theo ông, ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp Mỹ nên là người lao động và cộng đồng chứ không phải các nhà đầu tư.
Trong chiến dịch tranh cử năm nay, chương trình nghị sự của ông Biden tràn ngập các chính sách nhắm vào việc thay đổi hành vi của các doanh nghiệp: đề xuất đánh thuế để chống tránh thuế, phạt các công ty chuyển việc làm ra nước ngoài hay các biện pháp để việc thành lập công đoàn dễ dàng hơn. “Đã đến lúc chúng ta chấm dứt thời đại chủ nghĩa tư bản cổ đông”, ông tuyên bố trong 1 bài phát biểu hồi tháng 7.
Cả đời làm chính trị gia, Biden không có kinh nghiệm kinh doanh trực tiếp nào. Tuy nhiên, đã nhiều lần ông chia sẻ góc nhìn của ông về giới kinh doanh được hình thành ở Delaware, nơi có luật lệ rất thân thiện với doanh nghiệp và là nơi nhiều tập đoàn lớn của Mỹ chọn đặt trụ sở.
DuPont có dấu ấn rất đậm nét ở Delaware. “Ông ấy coi DuPont là đại diện cho 1 doanh nghiệp có trách nhiệm, và cũng là đại diện cho các doanh nghiệp Mỹ trong những năm 50, 60 và 70 của thế kỷ trước”, theo Don Graves, người là cố vấn chính sách của ông Biden khi ông còn làm Phó Tổng thống và hiện đang làm việc trong đội ngũ chuyển giao quyền lực. “Ông ấy cảm thấy rằng DuPont và những công ty khác ngày càng xa rời trách nhiệm xã hội bởi họ tập trung quá nhiều vào việc nhanh chóng tạo ra lợi nhuận cho cổ đông”.
Các lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế có thể phản đối gay gắt những đề xuất này. Họ lập luận rằng ông đã nhìn nhận thái quá về sự thiếu hiệu quả của những tập đoàn lớn giờ đã trở nên cũ kỹ lạc hậu. Ông đã bỏ qua những áp lực từ toàn cầu hóa và sự năng động của nền kinh tế hiện đại – những thứ cho phép các công ty khỏe mạnh hơn dù còn non trẻ nhưng vẫn có thể thay thế những ông lớn đang lao dốc.
“Tôi không nghĩ rằng các doanh nghiệp Mỹ có nhiều điều cần phải xin lỗi”, John Engler – người đứng đầu nhóm Business Roundtable gồm nhiều công ty lớn nhất Mỹ – đã phát biểu như vậy vào năm 2016 khi tham dự một trong những buổi họp giữa ông Biden và các CEO cùng nhiều chuyên gia kinh tế. “Nếu như các công ty yếu kém thì sẽ chẳng thể cứu họ chỉ bằng cách không cho phép họ kiếm tiền cho các cổ đông”, ông nói.
Mặc dù thường xuyên chỉ trích hành vi của các doanh nghiệp, xét trên một vài khía cạnh quan điểm của ông Biden gần với quan điểm của ông Engler hơn so với quan điểm của phe cực tả trong đảng Dân chủ, những người muốn áp đặt 1 danh sách dài các yêu cầu lên những công ty lớn, trong đó có cả những điều như để công nhân tham gia vào hội đồng quản trị. Ông muốn thay đổi văn hóa doanh nghiệp không phải bằng những luật lệ cứng nhắc mà bằng cách thuyết phục các giám đốc nhìn xa trông rộng hơn.
Chạy theo cổ đông hay lợi ích của cộng đồng?
Delaware chính là ví dụ cho thấy nguồn vốn và nhân lực có thể được phân bổ lại cho các lĩnh vực khác khi ngành sản xuất xuống dốc. Trong khi DuPont co cụm thì Delaware đã phát triển được khu vực tài chính khá hùngmanhj. 1 nghiên cứu cho thấy tỷ lệ thành lập doanh nghiệp mới ở đây vượt trội so với mức trung bình trên cả nước – mà trong đó có nhiều startup sản sinh từ các quỹ đầu tư mạo hiểm do các cựu lãnh đạo và nhà khoa học của DuPont lập nên.
30 năm gần đây, tổng số việc làm ở Delaware đã tăng khoảng 25% dù tỷ trọng việc làm tại các công ty sản xuất như DuPont đã giảm một nửa, xuống còn khoảng 6%. Tuy nhiên tăng trưởng thu nhập lại sụt giảm, theo dữ liệu của Moody’s Analytics.
Cha của ông Biden đã quyết định chuyển cả gia đình từ Scranton về Delaware vào năm 1953. Mở 1 đại lý mua bán xe hơi đã qua sử dụng tại đây, ông bị vùng đất này thu hút bởi sự thịnh vượng mà phần lớn là do DuPont mang lại. Được thành lập năm 1802 và ban đầu là 1 công ty sản xuất thuốc súng, các sản phẩm của DuPont như nylon, Tèlon, Freon, Lucite, Mylar và Kevlar đã tạo nên những cuộc cách mạng về tiêu dùng. Ở thời kỳ hoàng kim năm 1990, DuPont có tới 27.000 nhân viên tại Delawarw, tức cứ 10 lao động thì có 1 người làm cho DuPont.
Công ty từng có biệt danh là “Chú Dupie”, và các thành viên của gia tộc sáng lập đã tài trợ nhiều tiền của cho các trường học và bệnh viện tại địa phương. DuPont cũng là một trong những công ty đầu tiên mua bảo hiểm y tế và bảo hiểm hưu trí cho nhân viên. Trong cuốn tiểu sử xuất bản năm 2007, ông Biden viết về những năm tháng niên thiếu sống cạnh những người hàng xóm “gài huy hiệu DuPont trên cà vạt”.
Sau khi trở thành Thượng nghị sĩ năm 1972, Biden nhanh chóng phát triển mối quan hệ rất tốt với DuPont, gặp mặt các lãnh đạo cấp cao của tập đoàn ít nhất 2 lần mỗi năm và thường xuyên phát biểu tại các sự kiện của DuPont. Năm 1975, ông mua biệt thự rộng 10.000 foot vuông được xây dựng và từng thuộc sở hữu của gia đình du Pont.
Bắt đầu từ những năm 1990 và đầu những năm 2000, lợi nhuận của DuPont lao dốc mạnh vì nhiều sản phẩm của hãng vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ ở châu Á và văn hóa sáng tạo vốn được ca tụng của công ty không còn phát huy tác dụng. DuPont cố gắng chuyển hướng sang mảng công nghệ sinh học và nông nghiệp, nhưng cũng không thể đối đầu với những ông lớn như Monsanto. Đến đầu những năm 2000, số nhân viên ở Delaware đã giảm xuống hơn một nửa so với thời kỳ đỉnh cao năm 1990.
Cuộc chiến với phố Wall
Năm 2013, công ty tiếp tục gặp phải thách thức lớn. Nhà đầu tư chủ động Nelson Peltz và quỹ Trian Fund Management mua 2,2% cổ phần trị giá 1,3 tỷ USD và yêu cầu DuPont phải thực hiện những thay đổi lớn. Nói về Peltz, ông nổi lên ở phố Wall từ những năm 1980 sau chuỗi thương vụ thâu tóm được tài trợ bởi ông vua trái phiếu rác Michael Milken. Sau đó ông cùng 2 người khác lập nên Trian, quỹ đã làm chao đảo những biểu tượng của giới doanh nghiệp Mỹ như H.J. Heinz, Wendy’s và Bank of New York Mellon Corp.
Peltz chỉ trích DuPont đang “phá hủy giá trị của các cổ đông” khi vẫn bám lấy những mảng không phải cốt lõi như khách sạn hay rạp hát đồng thời duy trì ngân sách quá lớn cho nghiên cứu và phát triển mà không đem lại nhiều lợi ích. Ông yêu cầu DuPont phải chia tách và quay về cốt lõi.
Đối đầu với Peltz là CEO Ellen Kullman. Bà đã gặp ông Biden vài lần và được ông nhìn nhận là 1 người có tầm nhìn dài hạn và quan tâm đến nhân viên. Thậm chí ông đã ca ngợi Kullman là “lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc nhất” tại bữa trưa với Chủ tịch Trugn Quốc Tập Cận Bình và một số CEO Mỹ năm 2015.
Trong khi Peltz dễ dàng dành được ghế trong ban quản trị tại các công ty khác, CEO Kullman và Trian đã mất nhiều tháng đàm phán để đạt được thỏa thuận nhưng sau đó thỏa thuận lại đổ bể, tạo ra cuộc chiến kéo dài nhiều năm trời.
Kullman cho rằng kể từ khi bà nhậm chức CEO tháng 1/2009, cổ phiếu DuPont đã tăng trưởng vượt trội so với thị trường. Chi phí cho mảng khách sạn là rất nhỏ, và hoạt động R&D sẽ tạo ra giá trị cho các nhà đầu tư sẵn lòng chờ đợi vài năm để nhìn thấy thành quả. Bà thuê bài quảng cáo trên các tờ báo địa phương, cảnh báo rằng DuPont đóng vai trò là “1 trụ cột đáng tự hào của cộng đồng”. Cuối cùng trong cuộc bỏ phiếu năm 2015, các cổ đông từ chối đề nghị thay thế 4/12 giám đốc của Trian.
Peltz thua cuộc chiến này nhưng về cuối thì ông thắng. Cuối năm đó, DuPont không đạt được lợi nhuận như kỳ vọng. Ban lãnh đạo đổ lỗi cho đồng USD tăng giá và đà suy thoái của các thị trường nông nghiệp lớn như Brazil. Tuy nhiên các nhà đầu tư đã chán ngấy với việc lợi nhuận liên tục ảm đạm và kêu gọi cắt giảm sâu hơn. Bà Kullman từ chức.
Cuối năm 2015, người kế nhiệm bà thông báo kế hoạch sáp nhập DuPont với Dow Chemical, sau đó lại chẻ nhỏ công ty sau sáp nhập thành 3 phần theo yêu cầu của Peltz. Ngay sau thông báo sáp nhập, 1.700 nhân viên ở Delaware bị sa thải. Tờ Wilmington News Journal chạy dòng tít: “Chú Dupie đã chết”.
5 năm sau vụ DuPont sáp nhập với Dow, tổng giá trị vốn hóa của DuPont hiện tại và 2 công ty còn lại gần như không thay đổi và bị các công ty còn lại trong chỉ số S&P 500 bỏ xa. Tổng số nhân viên giảm 9%, tính đến năm 2019 là vào khoảng 92.500 người.
Ông Biden không công khai bình luận về những gì diễn ra ở DuPont. Tuy nhiên theo những người thân cận thì ông cảm thấy tiếc nuối trước sự ra đi của Kullman và việc DuPont bị tách làm ba.
Tháng 1/2016, Biden có phát biểu rất đáng chú ý về những thất bại của chủ nghĩa tư bản tại Mỹ trong thế kỷ 21 khi ông tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sĩ. Trong căn phòng chứa đầy các CEO của những công ty hàng đầu thế giới, Biden kể lại câu chuyện về 1 nhà lãnh đạo doanh nghiệp mà ông từng nói chuyện. Người này đã phàn nàn rằng phố Wall muốn công ty ông phải tăng lợi nhuận trong quý tới hoặc sẽ bị hạ mức xếp hạng. Điều đó khiến các doanh nghiệp buộc phải đưa ra những quyết định ngắn hạn mà không phù hợp với lợi ích của công ty trong dài hạn. Một số nguồn tin cho rằng đó chính là bà Kullman.
Tham khảo Wall Street Journal