Cơn khủng hoảng tồi tệ và chết chóc nhất đang giáng xuống một đất nước, chỉ vì 2 chữ: Lòng tham
Ammouneh Haydar đang ngồi trong căn hộ của mình. Suốt 1 tháng trời, cô không đặt chân ra ngoài. Mặt trời buông xuống, chiếc đèn huỳnh quang mờ ảo trở thành nguồn sáng duy nhất. Nhưng cũng chỉ vài phút nữa thôi, đợt cắt điện kéo dài 22h sẽ đưa tất cả chìm vào bóng tối.
Người phụ nữ 32 tuổi tiếp tục sống trong căn hộ nhỏ bé của mình tại ngôi làng Tleil gần biên giới Syria thêm 10 ngày nữa. Chồng cô, Ibrahim Urfali, đã chết trong vụ nổ bồn nhiên liệu hồi giữa tháng 8. Cô đang tuân thủ một quy định của người Hồi giáo tại Lebanon, tự cách ly không gặp đàn ông trong vòng 40 ngày sau đó.
Trong không gian tĩnh lặng phảng phất nỗi buồn, những giọt nước mắt của cô chảy dài. Đứa con trai 6 tuổi kéo mặt của mẹ lại gần và hôn lên đó, một nỗ lực tuyệt vọng để xoa dịu nỗi đau của người mẹ đáng thương.
Haydar gượng cười. Nhưng nỗi đau cô trải qua là một phần của cơn khủng hoảng đang đày đọa đất nước cô đang sinh sống: Lebanon.
Giống như đa số người Lebanon, những thiệt hại về vật chất mà cô phải nhận đã nhân lên nhiều lần kể từ khi cơn khủng hoảng tài chính xảy ra cách đây 2 năm. Khoản thu nhập vốn ít ỏi của họ tụt xuống con số 0. Haydar thiếu thốn đủ đường, không biết làm sao để lấp đầy cái bụng cho 4 đứa trẻ của mình.
Nghịch lý một nỗi, truyền hình địa phương ghi lại hình ảnh hàng đống sữa công thức cho trẻ sơ sinh được dự trữ vào cuối tháng 8. Haydar thì chẳng thể kiếm được thứ gì cho cậu con trai 7 tháng tuổi, phải cho con ăn bằng nước pha với đường.
Cơn khủng hoảng tài chính tại Lebanon trở nên khủng khiếp hơn bởi 2 chữ lòng tham, của tầng lớp tinh hoa trong xã hội. Những người bình thường như Haydar đang phải trả những cái giá quá đắt, thậm chí là bằng cả mạng sống của chồng cô.
Tử thần đến từ lòng tham
Đợt suy thoái kinh tế tại Lebanon đến từ việc ngân sách công cạn kiệt, bị nâng lên cao trào thái độ được Ngân hàng Thế giới World Bank (WB) gọi là “quản lý kém có chủ đích” từ tầng lớp thượng lưu. Nhưng lòng tham tích trữ nhu yếu phẩm mới thực sự là đòn chí mạng với nền kinh tế của họ.
Thủ tướng Najib Mikati tháng trước nói rằng thương nhân và những kẻ “đồi bại” của đất nước đang nắm giữ tới 74% nhu yếu phẩm – bao gồm nhiên liệu, thuốc men, thực phẩm và sữa trẻ em – trong năm qua. Trị giá ước tính rơi vào khoảng 7,4 đến 10 tỉ USD.