Lạc quan nhưng đây chính là điều Bill Gates lo sợ nhất trong năm 2022?
Trong một bài viết vừa được đăng tải, Bill Gates đã nêu ra “Những lý do để lạc quan sau một năm khó khăn”. Ông đã đưa ra nhiều tiên đoán tươi sáng, từ việc đại dịch Covid-19 kết thúc tới khả năng bùng nổ của công nghệ mới. Tuy nhiên, cũng có những vấn đề cụ thể được nêu ra như yếu tố làm chệch hướng phần lớn tiến trình đó. Điều mà Bill Gates lo ngại nhất chính là sự mất lòng tin của người dân với các chính phủ.
“Đó cũng chính là một trong những vấn đề tôi lo ngại nhất trước khi bước sang năm 2022”, Bill Gates nhấn mạnh.
Theo Bill Gates, các tổ chức công cần phải đóng vai trò chính trong các cuộc chiến như giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu hoặc ngăn chặn đại dịch tiếp theo. Tuy nhiên, họ sẽ chẳng thể đạt được mục tiêu đó khi mà người dân liên tiếp từ chối tuân theo các hướng dẫn mà họ đề ra.
“Nếu mọi người không tin tưởng bạn, họ sẽ chẳng ủng hộ những sáng kiến mới và quan trọng của bạn. Khi một cuộc khủng hoảng lớn xuất hiện, họ cũng ít có xu hướng tuân theo những hướng dẫn cụ thể và chi tiết để vượt qua được thảm họa”, Bill Gates nhấn mạnh.
Sự ngờ vực này đã thực sự rõ ràng kể từ khi đại dịch bùng lên. Thông tin sai lệch về Covid-19 lan truyền khắp nước Mỹ và phần còn lại của thế giới. Chính những điều đó đã cản trở tỷ lệ tiêm chủng của Mỹ và cuối cùng là khiến đại dịch kéo dài hơn so với khả năng thanh toán của nhân loại.
Trong một cuộc thăm dò độc lập được tiến hành vào năm 2019, 75% số người Mỹ được hỏi cho biết lòng tin của họ với Chính phủ Liên bang đang ngày càng bị thu hẹp. 64% những người tham gia cuộc thăm dò cũng xác nhận rằng lòng tin của chính người Mỹ với nhau cũng đang bị giảm xuống. Khoảng 4 trong 10 người được hỏi nói rằng họ thiếu tin tưởng vào khả năng xử lý những vấn đề như chăm sóc sức khỏe, nhập cư và bạo lực súng đạn từ nhà chức trách.
Ở bài viết của mình, Bill Gates tin rằng chính sự bùng nổ tin tức với chu kỳ ngắn (phản ánh những tin tức nhanh chóng trở nên kém thu hút hơn sau 24 giờ), các quảng cáo chính trị và sự xuất hiện của mạng xã hội đóng vai trò lớn cho “sự chia rẽ ngày càng tăng” trong xã hội. Chính vì thế, các chính phủ có thể sẽ cần phải điều chỉnh các nền tảng trực tuyến để xóa bỏ thông tin sai lệch một cách hiệu quả.
Hồi tháng 10, cựu kỹ sư Frances Haugen của Facebook đã ra làm chứng trước một Ủy ban của Thượng viện Mỹ về cuộc khủng hoảng thông tin sai lệch ở mạng xã hội lớn nhất thế giới này. Đó có thể là một sự khởi đầu cho việc đưa ra các quy định buộc các mạng xã hội phải tuân thủ.
Tuy nhiên, Bill Gates nhấn mạnh rằng nếu không có sự can thiệp nhanh chóng, người Mỹ có xu hướng bỏ phiếu cho các chính trị gia, những người công khai tin tưởng các thuyết âm mưu. Hiệu ứng quả cầu tuyết sau đó có thể khiến công chúng “vỡ mộng hơn nữa”.
Đó là vấn đề cần phải giải quyết. Tuy nhiên, chính bản thân Gates cũng không thể hình dung nó sẽ được giải quyết như thế nào.
“Đây là nơi tôi thường đưa ra các ý tưởng của mình về cách chúng ta khắc phục những vấn đề. Sự thật là bây giờ tôi không có câu trả lời cho vấn đề đó. Tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm và tham khảo ý tưởng của mọi người, đặc biệt là từ người trẻ tuổi. Tôi hy vọng rằng thế hệ chiếm đại đa số trên mạng này sẽ có những ý tưởng mới mẻ về cách chúng ta giải quyết một vấn đề đã ăn sâu vào Internet”, Bill Gates nói.