Cổ phiếu ngân hàng nào mang lại nhiều tài lộc nhất cho nhà đầu tư trong năm Tân Sửu?
Thống kê của Trí thức trẻ cho thấy, trong năm âm lịch vừa qua (17/2/2021 – 28/1/2022) có tổng cộng 20 mã ngân hàng tăng giá trên 50%, 7 mã còn lại đều tăng mạnh từ 11% đến gần 49%. Tính theo lượng cổ phiếu lưu hành, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã tăng bình quân 53,6% trong năm Tân Sửu, vượt xa mức tăng của Vn-Index (32,6%) và UPCoM-Index (48,6%) nhưng thấp hơn HNX-Index (85,3%).
Trong đó, SSB của SeABank là cổ phiếu ngân hàng mang lại nhiều ”lộc” nhất cho nhà đầu tư với tỷ suất sinh lời lên tới gần 191%.
Cổ phiếu này chào sàn HoSE ngày 24/3 với giá tham chiếu 16.800 đồng/cp (tương đương giá điều chỉnh 13.520 đồng/cp) và liên tục tăng trần trong những phiên sau đó. Thậm chí, SSB vẫn duy trì được nhịp tăng giá trong nửa cuối năm 2021 dù hầu hết cổ phiếu ngân hàng khác đều giảm mạnh.
Đặc biệt, SSB còn bứt tốc mạnh trong tháng 12 khi SeABank thông báo phát hành thêm 181 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cp, chưa bằng một nửa thị giá trên sàn.
NVB của NCB là cổ phiếu tăng mạnh thứ hai trong năm Tân Sửu. Đóng cửa phiên giao dịch cuối năm, NVB đứng ở mức 32.000 đồng/cp, gấp hơn 2,9 lần so với cuối năm Canh Tý. Trước đó, chỉ trong vòng hơn 1 tháng (từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 9), cổ phiếu này đã tăng gấp đôi thị giá từ hơn 17.000 đồng/cp lên gần 35.000 đồng/cp.
Về hoạt động kinh, NCB không có gì nổi trội so với các ngân hàng khác. Thậm chí, nhà băng này còn lỗ trước thuế hơn 200 tỷ trong quý IV/2021, chủ yếu do thu nhập từ hoạt động tín dụng lao dốc và đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro.
Tuy nhiên, trong năm qua, “thượng tầng” của NCB đã có biến động lớn khi cả Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc đều được thay mới. Trước đó, cổ phiếu này cũng ghi nhận các giao dịch thoả thuận ”khủng” trong năm 2021, khiến giới quan sát tin rằng cơ cấu cổ đông của nhà băng này đã được thay máu với sự tham gia của một tập đoàn bất động sản có tiếng ở trong nước.