Giá vàng trong nước sáng 17/3 lao dốc, vẫn đắt hơn 4,5 triệu đồng/lượng so với thế giới
Cập nhật lúc 10h00, giá vàng trong nước tiếp tục giảm thêm 200 nghìn đồng/lượng. Như vậy, tổng cộng đã giảm 400-500 nghìn đồng/lượng kể từ khi mở cửa.
Trong đó, tập đoàn DOJI giảm 100 nghìn đồng/lượng chiều mua và giảm 200 nghìn đồng/lượng chiều bán so với lúc 8h30, hiện niêm yết vàng SJC ở mức 45,2-46,1 triệu đồng/lượng.
Vàng bạc đá quý Sài Gòn giảm 200 nghìn đồng/lượng ở cả 2 chiều xuống mức 45,3-46,3 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới sau khi hồi phục lên mốc 1.500 USD/ounce lại quay đầu đi xuống, lúc 10h00 (ngày 17/3 giờ Việt Nam) chỉ còn đứng ở 1.492 USD/ounce, giảm 16,9 USD/ounce trong phiên giao dịch.
————————————
Mở cửa sáng nay (17/3), giá vàng trong nước đồng loạt lao dốc, điều chỉnh 200-300 nghìn đồng/lượng. Chênh lệch giá mua – bán vẫn duy trì ở mức cao từ 1 triệu đồng/lượng trở lên.
Lúc 8h30, Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết vàng SJC loại 1 lượng – 10 lượng ở mức 45,5-46,5 triệu đồng/lượng, giảm 300 nghìn đồng/lượng ở cả 2 chiều so với hôm qua.
Tương tự, tại DOJI đang niêm yết ở mức 45,3-46,3 triệu đồng/lượng, giữ nguyên giá mua và giảm 300 nghìn đồng/lượng đối với chiều bán ra.
Các thương hiệu khác cũng đã giảm giá bán ra vàng SJC xuống dưới 46,5 triệu đồng/lượng, chẳng hạn Bảo Tín Minh Châu đang niêm yết với giá 45,2—46,35 triệu đồng/lượng, Phú Quý là 45,4-46,5 triệu đồng/lượng.
Đêm 16/3 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới đã bất ngờ lao dốc, mất hơn 80 USD/ounce, có lúc xuống còn 1.446 USD/ounce. Đến 8h30 sáng 17/3 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay đã hồi phục trở lại, lên mức 1.505 USD/ounce, nhưng vẫn thấp hơn khoảng 30 USD/ounce so với cùng thời điểm sáng hôm qua. Quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, giá vàng thế giới hiện tương đương với khoảng 42 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế,phí), thấp hơn giá bán vàng trong nước tới 4,5 triệu đồng/lượng.
Trong đêm qua, giá vàng giao ngay tháng 4 cũng đã giảm gần 4% và giao dịch ở mức 1.460,9 USD/ounce, giá bạc kỳ hạn giảm 15% và đóng cửa phiên ở mức 12,32 USD/ounce; Giá bạch kim tháng 4 giảm gần 14% xuống 651,8 USd/ounce, Palladium tháng 6 giảm 2,69% xuống còn 1.468,5 USD/ounce.
Theo giới phân tích, vàng vẫn chịu áp lực bán tháo bởi nhà đầu tư phải “bán những gì có thể” để bù lỗ vào các tài sản khác và đáp ứng các margin call. Trong khi đó, vàng là tài sản có tính thanh khoản cao.
Kết thúc phiên 16/3, chứng khoán Mỹ tiếp tục chìm trong cơn bán tháo, Dow Jones chứng kiến ngày tồi tệ nhất kể từ ngày “thứ Hai đen tối” năm 1987. Dow Jones mất hơn 2.997,10 điểm, tương đương 12,9%, ở mức 20.188,52 điểm. S&P 500 giảm 12% xuống 2.386,13 điểm – chạm mức thấp nhất kể từ tháng 12/2018.
Theo Kitco, sự hoảng loạn trên thị trường toàn cầu hiện nay được cho đã vượt quá sự hoảng loạn của những cú sốc thị trường trong lịch sử vài thập kỷ qua, cụ thể là sự sụp đổ của thị trường năm 1987, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Lãi suất thấp thường là tin tốt cho kim loại quý. Tuy nhiên, việc cắt giảm lãi suất và cứu thanh khoản đã không trấn an được thị trường, Goldman Sachs cảnh báo khách hàng của mình rằng S&P 500 vẫn chưa chạm đáy cho đến khi xuống mốc 2.000. “Coronavirus đã tạo nên sự gián đoạn tài chính và xã hội chưa từng có”, ông David Kostin, chiến lược gia trưởng về vốn của Goldman’s U.S nói.
Trong khi đó, ANZ gần đây đưa ra dự báo rằng, mặc dù vàng đang chịu áp lực, nhưng kim loại quý này sẽ tăng trở lại trong bối cảnh hàng loạt NHTW cắt giảm lãi suất, vàng sẽ sớm chạm mốc 2.000 USD/ounce trong 3 tháng tới và sẽ kết thúc năm 2020 ở mức 1.700 USD/ounce.