Chiến đấu cơ tàng hình F-35 gặp nạn trên tàu sân bay Mỹ, 7 thủ thủ bị thương
Theo thông tin chính thức, phi công đang thực hiện nhiệm vụ bay thường lệ khi tai nạn xảy ra. Viên phi công này đã kích hoạt ghế phóng và thoát ra ngoài an toàn trước khi được trực thăng cứu hộ đưa lên cabin tàu. 6 người khác trên boong bị thương, trong đó 3 người được sơ tán khẩn cấp tới một cơ sở y tế ở Manila, Philippines. 3 người khác được điều trị trên tàu và đã hoàn toàn ổn định.
Người phát ngôn Hạm đội 7, Hải quân Mỹ cho biết sự cố không làm tổn hại nghiêm trọng mặt sàn tàu sân bay và phi đội đã hoạt động lại bình thường. Trong khi đó, tình trạng của chiếc F-35 chưa được xác định chính thức.
Đây là vụ tai nạn đầu tiên với mẫu máy bay tàng hình F-35C, biến thể chuyên trách trên các hàng không mẫu hạm. Ngoài ra, Mỹ còn có các biến thể F-35A, chuyên trách hoạt động từ sân bay trên bộ và F-35B, với khả năng hạ cánh thẳng đứng và cất cánh ngắn, để phục vụ trên các tàu đổ bộ tấn công.
Ngoài Mỹ, các phiên bản F-35 cũng được bán cho các đồng minh bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Vương quốc Anh, Australia, Ý, Na Uy, Hà Lan và Israel. Nhiều nước khác cũng muốn đặt hàng dòng máy bay này.
F-35C là biến thể được đưa vào hoạt động muộn nhất. Trước đó, từng có những vụ tai nạn với các biến thể khác cũng đã được ghi nhận. Tháng 11 năm ngoái, một chiếc F-35B của Anh đã lao xuống Địa trung Hải. Đây là chiếc máy bay được biên chế trên Hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth. Phi công thoát ra ngoài an toàn.
Tháng 5/2020, một phi công đã hạ cánh thành công một chiếc F-35 gặp nạn của không quân Mỹ xuống căn cứ ở Eglin, Florida. Không quân cho rằng vụ tai nạn có nhiều yếu tố liên quan tới phi công và hệ thống của máy bay.
Tháng 4/2019, một chiếc F-35 của Nhật đã lao xuống Thái Bình Dương ở vùng biển phía bắc nước Nhật, khiến phi công gặp nạn. Theo thông báo chính thức, sự cố bắt nguồn từ việc phi công mất phương hướng trong không gian, thuật ngữ mô tả việc phi công không thể cảm nhận chính xác vị trí, độ cao hoặc chuyển động của máy bay.