Covid-19: Khi người tiêu dùng toàn cầu sợ mua hàng hóa của Mỹ và Trung Quốc
Mua tích trữ đồ dùng và sự bùng nổ của thương mại điện tử đã trở thành một xu hướng phổ biến trong năm nay khi người dân trên khắp thế giới học cách tồn tại trong thời gian giãn cách xã hội.
Trong khi các biện pháp phong tỏa đang được nới lỏng ở nhiều quốc gia, nhiều người vẫn tỏ ra lo ngại về khả năng lây nhiễm trong xã hội. Các nhà phân tích cho biết điều này có thể tiếp tục ảnh hưởng tới quyết định chúng ta sẽ mua loại hàng hóa nào.
Lo ngại hàng Mỹ và TQ
Theo công ty nghiên cứu thị trường Kantar, 1/3 người tiêu dùng toàn cầu hiện lo lắng rằng các sản phẩm nhập khẩu có thể ẩn chứa những rủi ro về sức khỏe. Công ty này đã tiến hành khảo sát 45.000 người trên 17 quốc gia qua điện thoại và trực tuyến vào cuối tháng 4 và kết quả khảo sát có tỷ lệ sai số là 2%.
Hàng hóa từ Trung Quốc và Mỹ được người tiêu dùng ở các nước khác đánh giá là có độ rủi ro đặc biệt, với 47% nói rằng họ không ưa chuộng việc mua các sản phẩm nhập khẩu từ 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo khảo sát của hãng Kantar, người dân ở Nam Phi, Hàn Quốc, Nigeria và Pháp thậm chí lo lắng nhất khi mua hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và Mỹ.
Bà Rosie Hawkins, quản lý của bộ phận nghiên cứu thị trường tại hãng Kantar, chia sẻ với hãng tin CNBC rằng người dân cũng bắt đầu ủng hộ hàng hóa sản xuất tại địa phương. “Chúng tôi thấy mọi người lo lắng về một làn sóng nhiễm bệnh thứ hai. Do vậy, càng ngày càng có nhiều người nghĩ rằng các công ty nên đưa chuỗi cung ứng trở lại đất nước của mình”, bà Hawkins nói.
“Làm như vậy không chỉ bảo vệ chuỗi cung ứng mà còn cả việc làm và nền kinh tế của các nước. Quan điểm này được thúc đẩy bởi những nỗ lực tăng cường khả năng tự chủ của các cá nhân, nền kinh tế và quốc gia”.
Cuộc thăm dò của Kantar cho thấy 65% người dân trên thế giới thích mua hàng hóa và dịch vụ do thị trường nội địa sản xuất. Cứ 4 người lại có 1 người tin rằng các doanh nghiệp nên di dời cơ sở sản xuất ở nước ngoài về lại trong nước. Người tiêu dùng Trung Quốc là những “nhà vô địch” của phong trào sử dụng hàng hóa “Made in China”, với 87% số người được hỏi nói rằng họ thích hàng nội địa. Cùng lúc đó, tỉ lệ này tại Italy và Hàn Quốc là 81% và 76%.