Chuyên gia khuyến nghị phối hợp chính sách phục hồi kinh tế
Phối hợp hiệu quả chính sách tài khóa tiền tệ
Nhóm nhà khoa học Đại học Kinh tế Quốc dân, trong đó có Hiệu trưởng GS.TS Phạm Hồng Chương, PGS.TS Tô Trung Thành và các chuyên gia, vừa đưa ra một số đánh giá và nêu các kiến nghị chính sách phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Các chuyên gia nhận định, dư địa chính sách dần thu hẹp, các chính sách cần hướng các giải pháp cũng như nguồn lực ưu tiên đến khu vực doanh nghiệp, tạo điều kiện cho khu vực doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong đại dịch.
Đặc biệt, cần ưu tiên những doanh nghiệp có ảnh hưởng lan tỏa lớn đến các doanh nghiệp, các khu vực khác của nền kinh tế; các doanh nghiệp hạt nhân của các chuỗi cung ứng. Điều này cũng tạo điều kiện để tạo cầu lao động, hỗ trợ an sinh xã hội (thông qua doanh nghiệp), bảo đảm ổn định cuộc sống cho người lao động.
Thứ nhất, trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021, tới đây sẽ là mục tiêu và kế hoạch của năm 2022, NHNN cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra từ đầu năm (12%), nếu không ít nhất cũng phải đạt trên 10%.
Thứ hai, NHNN cần nghiên cứu để giảm 0,5% tỉ lệ dự trữ bắt buộc trong 2 tháng cuối năm 2021 và giảm tiếp 0,5% trong quý I/2022. Theo đó, sẽ tác động giảm đáng kể lãi suất cho vay đối với nền kinh tế. Bởi vì chỉ cần giảm 0,5% tỉ lệ này, sẽ giải phóng được số vốn lên tới 50.000 tỷ đồng.
Thứ ba, NHNN nghiên cứu để bỏ hạn mức tín dụng đối với các NHTM đáp ứng được các tiêu chí của Basel II và có tỉ lệ nợ xấu dưới 3% nhằm giải phóng năng lực và tăng tính chủ động trong việc cấp tín dụng lành mạnh của các tổ chức tín dụng (TCTD) đó, giảm thiểu can thiệp hành chính cũng như tình trạng xin, cho việc “nới room” tín dụng…
Thứ tư, NHNN chỉ đạo và giám sát các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất – kinh doanh; các TCTD thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm, lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 theo Thông tư 01, 03, 14 của NHNN…
Thứ năm, NHNN chỉ đạo giảm lãi suất cho vay hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH); đổng thời mở ra chương trình cho vay vốn tạo việc làm đối với người lao động bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 thông qua NHCSXH…
Các chuyên gia cũng đưa ra các khuyến nghị chính sách tài khóa đồng bộ để hỗ trợ nền kinh tế.
Thứ nhất, cần ban hành và thực thi khẩn trương các chính sách hỗ trợ người lao động di cư phải thuê nhà nhằm tránh tình trạng đứt gãy nguồn cung lao động khi trở lại trạng thái bình thường mới. Cần có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn đối với đối tượng người lao động di cư không có đăng ký và người lao động tự do trong khu vực phi chính thức, các đối tượng dễ tổn thương (người cao tuổi, trẻ em, người yếu thế…).
Thứ hai, cần ban hành và thực thi khẩn trương các chính sách nhằm hỗ trợ các chi phí phòng dịch, các chi phí tái tổ chức hoạt động sản xuất cho các doanh nghiệp nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, hạch toán chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thứ ba, trong giai đoạn phục hồi, các chính sách hỗ trợ cần chọn lọc hơn, tập trung hơn vào các doanh nghiệp quy mô lớn, có ảnh hưởng lan tỏa quan trọng đến các khu vực khác trong nền kinh tế. Tránh tình trạng đổ vỡ dây chuyền trong nền kinh tế. “Không hỗ trợ dàn trải, bình quân, liều lượng hỗ trợ thấp. Đồng thời dư địa chính sách cũng không cho phép thực hiện bao phủ quá nhiều đối tượng”, các chuyên gia khuyến nghị.
Thứ tư, cần gia tăng liều lượng, thời gian hỗ trợ đối với các gói chính sách hiện tại về chậm nộp, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, tiền điện, bảo hiểm xã hội…
Thứ năm, ban hành và thực thi các chính sách nhằm bình ổn giá nguyên liệu đầu vào sản xuất, chi phí lưu thông, vận chuyển hàng hóa.
Đặc biệt, các chuyên gia khuyến nghị phối hợp với các chính sách tiền tệ nhằm bảo đảm dòng tiền, khả năng thanh khoản của khu vực doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư công; đẩy mạnh ứng dụng và nhanh chóng cải thiện hạ tầng công nghệ thông tin trong triển khai các gói chính sách hỗ trợ; tập trung cải thiện hiệu quả của công tác tuyên truyền và thực thi đối với các gói chính sách hỗ trợ đã ban hành.