Vì sao Agribank mãi chưa cổ phần hóa?
Trong 4 ngân hàng lớn nhất Việt Nam hiện nay, chỉ còn mỗi Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chưa cổ phần hóa. Nhìn vào 3 ngân hàng Vietcombank, VietinBank và BIDV đã cổ phần hóa thành công, thị trường càng trông đợi vào Agribank.
Được biết, Agribank là một trong số các doanh nghiệp Nhà nước nằm trong danh sách thoái vốn Nhà nước giai đoạn 2016-2020. Theo đó, ngân hàng này sẽ được cổ phần hóa và Nhà nước chỉ còn nắm giữ 65% vốn điều lệ. Tuy nhiên, kế hoạch cổ phần hoá hay bán vốn chiến lược của Agribank đã lỡ hẹn hạn chót năm 2020.
Tại tọa đàm “Thị trường chứng khoán: Cơ hội, rủi ro và giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững“, ông Chu Mạnh Hùng – Phó ban cổ phần hóa Agribank cho biết, Agribank gặp khó khăn trong việc định giá giá trị doanh nghiệp, nhất là về đất đai, thương hiệu,…”Đến nay, năm 2021, ngân hàng vẫn chưa thể hoàn thành được phương án sử dụng đất đai. Do đó, ngân hàng nông nghiệp chưa thể được NHNN ban hành quy định cổ phần hóa”, ông nói. Do giai đoạn 2016-2020 không hoàn thành nên ngân hàng chuyển kế hoạch cổ phần hóa sang giai đoạn sau 2021-2025.
Ông Hùng cho biết, cuối năm vừa qua, Bộ Tài chính cũng đã có đánh giá toàn diện về quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Trong danh mục, số doanh nghiệp cổ phần hóa chỉ chiếm khoảng 28%, có nghĩa gần 3/4 không đạt kế hoạch. Nguyên nhân chính là rất nhiều tập đoàn, công ty lớn được Chính phủ cho phép cổ phần hóa nhưng phương án sử dụng đất chưa hoàn thành. Ví dụ đất đai của Ngân hàng nông nghiệp hay VNPT rất lớn, số lượng nhiều và trải dài trên toàn quốc.
“Agribank có đất đai rải rác từ các huyện xã, thành phố cho đến ngoài hải đảo cũng có và trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, từ thời bao cấp cho đến bây giờ khiến cho hồ sơ pháp lý, thủ tục có rất nhiều vướng mắc, có những mảnh đất còn có tranh chấp…”, ông nói.
Được biết, ngân hàng có tới 294 cơ sở nhà đất, với tổng diện tích 2,6 triệu m2, nguồn gốc đa dạng nhưng hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ. Đây là nguồn tài sản có thể giúp giá trị khi cổ phần hóa của ngân hàng đạt mức rất lớn. Nhưng cũng khối tài sản này khiến ngân hàng loay hoay chậm cổ phần hóa suốt những năm qua.
Trước thềm cổ phần hóa, về hoạt động kinh doanh, Agribank ghi nhận những kết quả khả quan trong vài năm trở lại đây, lãi cao và chất lượng tài sản được cải thiện mạnh.
Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản của Agribank đạt trên 1,57 triệu tỷ đồng – cao nhất trong hệ thống TCTD. Nguồn vốn đạt trên 1,45 triệu tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,21 triệu tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng năm 2020 đạt gần 13.000 tỷ đồng, cao thứ 4 trong hệ thống.
Agribank tiếp tục phát huy vai trò là ngân hàng chính cấp vốn cho lĩnh vực nông nghiệp khi tỷ trọng dư nợ nông nghiệp nông thôn chiếm xấp xỉ 70% dư nợ cho vay của ngân hàng này và chiếm tỷ trọng lớn trong dư nợ tín dụng nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, công cuộc xử lý nợ xấu của ngân hàng này đạt được những kết quả ấn tượng. Năm 2019, ngân hàng đã mua lại trước hạn 100% các khoản nợ đã bán cho VAMC. Agribank là cũng một trong những ngân hàng đạt kết quả xử lý thu hồi nợ xấu theo Nghị quyết 42 lớn nhất trong hệ thống, đạt 186% kế hoạch. Tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh và kiểm soát dưới 2% trong nhiều năm liền.
Theo xếp hạng của Brand Finance, Agribank là ngân hàng có giá trị thương hiệu lớn nhất tại Việt Nam, đồng thời đứng thứ 173 trên toàn cầu. Tạp chí The Asian Banker cũng xếp hạng Agribank đứng thứ 136 ngân hàng lớn khu vực châu Á (tăng 6 bậc so với năm 2019).
Dù vậy, Agribank còn gặp nhiều cản trở trong việc mở rộng tín dụng những năm tới. Mặc dù quy mô tài sản đứng đầu hệ thống nhưng vốn điều lệ của Agribank đang ở mức rất thấp. Cuối năm 2020, vốn điều lệ của Agribank chỉ đứng ở mức hơn 30.400 tỷ đồng.
Do không được tăng vốn nhiều năm liền nên từ vị thế đứng đầu hệ thống, vốn điều lệ của Agribank đã tụt xuống cuối cùng trong nhóm Big4 và thậm chí còn thấp hơn ngân hàng tư nhân Techcombank. Điều này khiến ngân hàng khó đảm bảo chỉ số an toàn vốn, đồng thời làm hạn chế tốc độ tăng trưởng tín dụng. Trong một lần chia sẻ với chúng tôi hồi giữa năm 2020, lãnh đạo Agribank cho biết, theo chuẩn mực vốn Basel II, tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng thời điểm 31/12/2019 chỉ đạt 7,3%; thời điểm 31/3/2020 chỉ đạt 6,9% (không đảm bảo yêu cầu vốn tối thiểu 8% theo quy định).
Agribank là đang ngân hàng 100% thuộc sở hữu của Ngân hàng Nhà nước nên một khi chưa cổ phần hóa, ngân hàng chỉ có thể trông đợi tăng vốn từ nguồn ngân sách.
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã nhất trí bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019 tương ứng với số lợi nhuận sau thuế thực nộp NSNN năm 2020 của ngân hàng, tối đa không quá 3.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, rõ ràng nhu cầu tăng vốn của Agribank còn lớn hơn thế rất nhiều với một quy mô tín dụng hơn 1,2 triệu tỷ như hiện nay.