Đề xuất gói hỗ trợ toàn diện cứu doanh nghiệp: Cần thực chất
Hỗ trợ hàng triệu lượt doanh nghiệp trong năm nay
Tiếp thu ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Theo Bộ KH&ĐT, với mục tiêu sớm khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian sớm nhất, dự thảo do Bộ thực hiện, đặt chỉ tiêu hết năm 2021 có hàng triệu lượt doanh nghiệp được hỗ trợ.
Cụ thể, đến hết năm 2021, luỹ kế khoảng 1 triệu lượt doanh nghiệp, khách hàng được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ; khoảng 160 nghìn doanh nghiệp được hưởng chính sách gia hạn nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất; khoảng 50 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Hàng trăm nghìn doanh nghiệp được tiếp cận các chính sách hỗ trợ về giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động…
“Hỗ trợ đưa ra nhưng không thực hiện được thì rất mất uy tín. Vừa qua, một số ngân hàng cam kết hỗ trợ tín dụng, giảm lãi suất nhưng doanh nghiệp vẫn không tiếp cận được, đã có trường hợp từ chối vì điều kiện phức tạp.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính
Trong các nhóm nhiệm vụ của dự thảo Nghị quyết, Bộ KH&ĐT chú trọng đến 4 phần việc: Thực hiện linh hoạt hiệu quả biện pháp phòng dịch, tạo điều kiện ổn định, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; lưu thông hàng hoá thông suốt, khắc phục chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị gián đoạn; cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền, tháo gỡ khó khăn về lao động, chuyên gia.
Những bất cập doanh nghiệp phản ánh thời gian qua như tình trạng ùn ứ, ách tắc lưu thông hàng hóa tại một số cảng biển, đường bộ, đường thủy; vướng mắc mô hình tổ chức sản xuất an toàn “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”; khó khăn về dòng tiền… cũng được đưa vào dự thảo.
Kỳ vọng sản xuất, kinh doanh sớm phục hồi
Nhận xét dự thảo Nghị quyết, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng , trong điều kiện cực kỳ khó khăn hiện nay, Nghị quyết nếu được thông qua, sẽ phát huy vai trò hỗ trợ, phục hồi sản xuất kinh doanh rất lớn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Thịnh lưu ý giải pháp nêu trong dự thảo cần được xem xét kỹ, có gì khác với các gói đang thực hiện; nguồn lực, cách thức hỗ trợ từ đâu; khả năng chịu đựng của ngân sách nhà nước, và khả năng tiếp nhận của doanh nghiệp đến mức nào. “Hỗ trợ đưa ra nhưng không thực hiện được thì rất mất uy tín. Vừa qua, một số ngân hàng cam kết hỗ trợ tín dụng, giảm lãi suất nhưng doanh nghiệp vẫn không tiếp cận được, đã có trường hợp từ chối vì điều kiện phức tạp. Hỗ trợ liên quan đến lãi suất cần có mức hưởng cụ thể, không cào bằng, xem xét trên cơ sở khó khăn của mỗi doanh nghiệp”, ông Thịnh nói.
Ông Trần Đức Nghĩa, Ủy viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, hơn 1 năm chịu tác động dịch bệnh, doanh nghiệp đang trong tình trạng kiệt quệ. “Chẳng hạn một công ty có 150 lái xe, hiện hằng tháng phải chi trả hơn 300 triệu đồng phí xét nghiệm các loại. Đây là một chi phí khủng khiếp. Không có cơ quan nào đứng ra làm đầu mối, thống nhất các biện pháp phòng dịch dẫn tới khó khăn khắp nơi cho doanh nghiệp, ông Nghĩa nói.
Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam ước tính, tình trạng trên gây thiệt hại ít nhất 100 tỷ đồng/ngày cho các doanh nghiệp thành viên.
Theo bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM, ngành du lịch cần cơ chế đặc thù. Bà đề xuất cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) là 24 tháng; hỗ trợ miễn giảm thuế cho doanh nghiệp lữ hành, các nhà hàng, cơ sở lưu trú, vận chuyển kinh doanh dịch vụ lữ hành; hỗ trợ áp dụng mức giá điện theo đơn giá điện sản xuất cho các cơ sở kinh doanh nhà hàng, dịch vụ lưu trú du lịch trong năm 2021.