VN-Index tăng 573% sau hơn 20 năm, 197 tỷ cổ phiếu lên sàn
Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) vừa có báo cáo 25 năm hình thành và hoạt động. Theo báo cáo, tính đến ngày 15/10/2021, chỉ số VN-Index đạt 1.392,7 điểm, tăng 573,4% so với cuối năm 2000. Chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 384,84 điểm, tăng 58,4% so với cuối năm 2006. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 7.166 nghìn tỷ đồng, tăng 626,8% so với cuối năm 2000, tương đương 113,9% GDP; quy mô niêm yết thị trường trái phiếu đến cuối tháng 9/2021, có 432 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt hơn 1.464 nghìn tỷ đồng, tương đương 23,3% GDP).
197 tỷ chứng khoán và 3,7 triệu nhà đầu tư
Thị trường Chứng khoán Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện về cấu trúc thông qua việc hình thành các khu vực thị trường: thị trường cổ phiếu (cổ phiếu niêm yết và cổ phiếu đăng ký giao dịch), thị trường trái phiếu và phái sinh.
Hệ thống nhà đầu tư phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng từ 3.000 tài khoản năm 2000, đến ngày 15/10/2021 đã đạt 3,7 triệu tài khoản. Tthị trường chứng khoán bảo đảm, tính công khai, minh bạch, các tiêu chuẩn và thông lệ về quản trị công ty, tăng cường năng lực quản lý, giám sát và cưỡng chế thực thi, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư và lòng tin của thị trường.
Trong 25 năm quaTrung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam đã cấp mã chứng khoán cho 2.348 mã, với tổng số dư chứng khoán đăng ký tại VSD đạt gần 197 tỷ chứng khoán, tăng gấp 7 lần về số mã chứng khoán và tăng gấp 61 lần về số chứng khoán so với năm 2006; cùng với hoạt động đăng ký, hoạt động lưu ký cũng có kết quả khả quan với tổng số dư chứng khoán lưu ký tại VSD đạt 114 tỷ chứng khoán, tăng 55 lần so với năm 2006 và (chiếm 58% tổng số chứng khoán đăng ký). Số lượng thành viên lưu ký và tổ chức mở tài khoản trực tiếp của VSD là 121 thành viên và tổ chức (bao gồm 82 công ty chứng khoán, 6 ngân hàng lưu ký trong nước, 8 ngân hàng lưu ký nước ngoài và 25 tổ chức mở tài khoản trực tiếp). Tổng giá trị thanh toán giao dịch chứng khoán qua VSD từ năm 2006 đến ngày 15/10/2021 đạt hơn 29 triệu tỷ đồng, tăng 463 lần so với năm 2006, riêng năm 2021 tính đến 15/10/2021, tổng giá trị thanh toán giao dịch chứng khoán qua VSD đạt 3,9 triệu tỷ đồng. Tính đến 15/10/2021, số lượng tài khoản nhà đầu tư do VSD quản lý là 3,7 triệu tài khoản, tăng gấp 3,6 lần so với năm 2010. Tổng mã số giao dịch chứng khoán đã cấp cho nhà đầu tư nước ngoài là 39.355 mã số, trong đó, có 34.283 mã số cá nhân và 5.072 mã số tổ chức, lần lượt tăng 15 lần và 28 lần so với năm 2006.
Đối với cung cấp dịch vụ trên thị trường chứng khoán phái sinh, tính đến ngày 15/10/2021 đã có 505.898 tài khoản của nhà đầu tư được đăng ký trên hệ thống bù trừ, thanh toán chứng khoán phái sinh của VSD, tăng 29 lần so với cuối năm 2017 (năm đầu khai trương thị trường). Tổng giá trị thanh toán qua VSD từ năm 2017 đến ngày 15/10/2021 đạt 16.787 tỷ đồng, tăng gấp 37 lần so với cuối năm 2017, riêng năm 2021 tính đến 15/10/2021, tổng giá trị thanh toán qua VSD đạt 7.352 tỷ đồng và không có trường hợp nào phải sử dụng đến Quỹ bù trừ để đảm bảo khả năng thanh toán. Số lượng thành viên bù trừ của VSD đến thời điểm 15/10/2021 là 23 thành viên, tăng 18 thành viên so với năm 2017 (năm đầu khai trương thị trường), gồm 04 thành viên bù trừ chung và 19 thành viên bù trừ trực tiếp.
Đối với quỹ mở, VSD hiện đang cung cấp dịch vụ cho 32 quỹ mở đang giao dịch. Trong giai đoạn 2014-15/10/2021, thực hiện 13.739 phiên giao dịch với tổng giá trị giao dịch đạt 183.933 tỷ đồng, so với năm đầu khai trương, tăng 80,34 lần về số phiên và tăng 185,9 lần về giá trị giao dịch.
Đối với quỹ ETF, VSD đã cung cấp dịch vụ cho 08 quỹ ETF, Trong giai đoạn 2014-15/10/2021, thực hiện tổ chức 4.233 phiên giao dịch, với tổng giá trị giao dịch theo mệnh giá đạt 27.819 tỷ đồng, so với năm đầu khai trương, tăng gấp 62 lần về số phiên và tăng 339 lần về giá trị giao dịch.
Quy mô thị trường đạt 110% GDP năm 2025
Với mục tiêu đề ra cho ngành chứng khoán trong thời gian tới phấn đấu quy mô thị trường cổ phiếu phát triển đạt mức 85% GDP (tính theo GDP đã điều chỉnh) vào năm 2025 và đạt 110% GDP vào năm 2030; quy mô thị trường trái phiếu đạt mức 47% GDP vào năm 2025 (trong đó quy mô thị trường TPDN khoảng 20%) và đạt 58% GDP vào năm 2030 (trong đó quy mô thị trường TPDN đạt khoảng 25% GDP); quy mô giao dịch trên thị trường phái sinh với mức tăng trưởng trung bình 20%-30% mỗi năm; đa dạng hóa sản phẩm đầu tư, tiến tới tổ chức giao dịch thống nhất các công cụ phái sinh niêm yết trên tài sản cơ sở là chứng khoán, hàng hóa, tỷ giá và lãi suất…
Về giải pháp, thứ nhất, VSD dự tính chuyển đổi sang mô hình Tổng công ty theo Luật Chứng khoán năm 2019 sau khi có quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ. Đây sẽ là dấu ấn trong chặng đường phát triển của VSD nhằm hướng đến mục tiêu trở thành một trong những tổ chức lưu ký bù trừ hàng đầu khu vực.
Thứ hai, tham gia xây dựng/góp ý hoàn thiện cho các dự thảo văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán năm 2019; phối hợp với chủ đầu tư là Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh triển khai kịp thời các công việc liên quan đến gói thầu công nghệ thông tin về “Thiết kế, giải pháp, cung cấp lắp đặt và chuyển giao hệ thống công nghệ thông tin – Sở GDCK TP. HCM” nhằm xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thống nhất cho toàn thị trường.
Thứ ba, VSD sẽ triển khai một số sản phẩm/dịch vụ mới để sẵn sàng triển khai khi được sự chấp thuận của cơ quan quản lý như: nghiệp vụ giao dịch trong ngày và thanh toán chứng khoán chờ về; dịch vụ quản lý chứng khoán thế chấp và đăng ký biện pháp bảo đảm đối với chứng khoán đã đăng ký tập trung tại VSD theo yêu cầu của khách hàng; mô hình đối tác bù trừ thanh toán trung tâm (CCP) cho thị trường chứng khoán cơ sở; tiếp tục nghiên cứu và triển khai hợp đồng tương lai trên bộ chỉ số mới; liên kết với các tổ chức lưu ký, bù trừ thanh toán khu vực để cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới để góp phần hình thành trung tâm lưu ký, bù trừ thanh toán mang tính khu vực (ICSD, ICCP), tiến tới cung cấp các dịch vụ lưu ký, đăng ký, bù trừ thanh toán thực hiện quyền cho các giao dịch xuyên biên giới.
Thứ tư, VSD cũng sẽ tiếp tục tập trung vào nâng cao đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ như ứng dụng công nghệ Blockchain, Big data, e-passbook,… tạo nền tảng để VSD nâng cao hiệu quả hoạt động nghiệp vụ, tiếp tục đa dạng hoá sản phẩm dịch vụ theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế qua đó thúc đẩy phát triển các dịch vụ hỗ trợ cho các giao dịch xuyên biên giới, hướng tới các liên kết quốc tế để vòng tuần hoàn tiền và tài sản không chỉ luân chuyển nhịp nhàng, thông suốt an toàn trên thị trường chứng khoán trong nước mà còn lan tỏa ra các thị trường khu vực và quốc tế, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu hội nhập và phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.