MSB dự kiến ghi nhận 1.800-2.000 tỷ đồng lợi nhuận từ thương vụ thoái vốn FCCOM
Chiều ngày 5/11 vừa qua, Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB – HoSE: MSB) tổ chức buổi gặp gỡ chuyên viên phân tích và nhà đầu tư để chia sẻ kết quả kinh doanh 9 tháng và kế hoạch dài hạn.
Trong buổi trao đổi, lãnh đạo ngân hàng có đề cập đến nội dung về bán toàn bộ 100% vốn Công ty Tài chính FCCOM. Ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB cho biết ngân hàng đang tiếp xúc với 2-3 nhà đầu tư và đang tiến hành ký hợp đồng chuyển nhượng trong tháng 11/2021.
“Nếu đạt kỳ vọng và không có gì thay đổi, ngân hàng sẽ hoàn tất chuyển nhượng trong năm sau và ghi nhận lợi nhuận”, ông Linh nói. Giá trị thương vụ ước tính không thấp hơn 100 triệu USD và MSB có thể thu về 1.800-2.000 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2022.
Lãnh đạo MSB cho biết ngân hàng định hướng thoái vốn các công ty con và tập trung vào lĩnh vực chính, phát triển mảng bán lẻ, nhóm khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa, nhỏ (SME).
Đề cập đến hoạt động kinh doanh, ông Linh cho biết đến hết tháng 10, lãi trước thuế của ngân hàng đã đạt 4.600 tỷ đồng, vượt 40% kế hoạch cả năm. Các chỉ số ROAA và ROAE lần lượt là 2,14% và 20,83%. Tỷ lệ biên lãi ròng NIM được đạt 3,72%, cao hơn mức 3,35% của năm 2020 và 2,51% của 2019. Dự kiến ngân hàng sẽ cán mốc trên 5.000 tỷ lợi nhuận trước thuế cho cả năm 2021.
Sau 9 tháng, tín dụng của MSB tăng gần 16%, cao hơn mức 10,6% cuối tháng 6. Ngân hàng vẫn kỳ vọng đạt hạn mức 25% cho cả năm. Theo vị CEO, MSB là ngân hàng có quản trị rủi ro tốt, tập trung giải ngân vào các ngành phát triển bền vững , tích cực tham gia các hoạt động và chính sách của Ngân hàng Nhà nước. Trong kỳ nới hạn mức tín dụng cuối năm, MSB kỳ vọng sẽ được nâng “room” tín dụng, dựa trên cân đối và phân bổ của cơ quan điều hành.
Luôn bám sát định hướng tăng trưởng bền vững, MSB cũng kiểm soát chặt chất lượng giải ngân tín dụng, từ đó kiểm soát nợ xấu hiệu quả dù chịu ảnh hưởng dịch bệnh. Đến cuối tháng 9, nợ xấu tính theo Thông tư 02/2013-TT-NHNN được kiểm soát ở mức 1,31%, giảm so với cuối quý trước (1,6%). Tổng nợ cơ cấu lại theo Thông tư 14/2021 của NHNN đến hết quý 3 là 1.759 tỷ đồng, chỉ chiếm 1,8% tổng dư nợ. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng thúc đẩy quá trình xử lý tài sản đảm bảo, bán nợ xấu.
Đến 30/9, tổng tài sản ngân hàng ở mức trên 195.500 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với đầu năm, vượt kế hoạch 190.000 tỷ đồng được Đại hội cổ đông phê duyệt. Tiền gửi khách hàng tăng 9%, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng gần 14%. Nhờ tập trung phát triển mạnh dịch vụ ngân hàng điện tử từ năm 2020 đến nay, CASA của MSB tăng trưởng tốt, đạt hơn 29 nghìn tỷ đến hết quý 3, đứng thứ 4 trên thị trường tính theo tỷ lệ CASA/Tổng tiền gửi và dự kiến đạt 32 nghìn tỷ vào cuối năm 2021.
Trong kế hoạch từ nay đến năm 2023, ngân hàng đặt mục tiêu duy trì tăng trưởng trung bình tín dụng 25-30%, tổng tài sản 17%/năm và huy động vốn 16%/năm, CASA hướng đến mốc 40.000 tỷ. Hiện nay, MSB đã ghi nhận một số chỉ tiêu hoàn thành sớm, vượt so với kế hoạch đề ra khi làm việc với tư vấn McKinsey.
Riêng trong năm 2022, MSB đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trước thuế 30%, quy mô tài sản 10% -15%. Ngân hàng dự kiến tiếp tục chia cổ tức 2021 với tỷ lệ 30%, tăng cường nguồn lực cho hoạt động kinh doanh và đảm bảo quyền lợi cổ đông.
Vừa qua, MSB đã hoàn thành việc tăng vốn điều lệ lên 15.275 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức 2020 với tỷ lệ 30%. Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán, lưu ký bổ sung 352,5 triệu cổ phiếu từ ngày 9/11.
Việc tăng vốn sẽ giúp ngân hàng đảm bảo các tỷ lệ an toàn về vốn, quản trị rủi ro đáp ứng các chuẩn quốc tế Basel II, hướng tới Basel III. Từ đó, ngân hàng có thêm nguồn lực đầu tư vào các dự án chiến lược, mở rộng phát triển hoạt động kinh doanh trong giai đoạn 2021 – 2023 như xây dựng ngân hàng số, đầu tư vào số hóa và đầu tư hệ thống core-banking mới…