Ai là người đứng sau Chuỗi điện thoại CellphoneS vừa tuyên bố “cạch mặt” BKAV?

Mới đây xung quanh ồn ào về BKAV gửi sản phẩm demo kém chất lượng đến nhà phân phối, chuỗi CellphoneS tuyên bố đã lên tiếng khẳng định sẽ không hợp tác với BKAV trong việc phân phối các sản phẩm mới, đặc biệt là trong việc bán hai mẫu tai nghe gây tranh cãi AirB và AirB Pro.

Ông Huy Nguyễn, đại diện truyền thông CellphoneS cho biết hệ thống này đã dừng phân phối các sản phẩm của BKAV. Ông cũng tuyên bố “từ nay về sau cũng không bán bất cứ cái gì từ BKAV nữa”.

CellphoneS là một trong ba hệ thống bán lẻ điện thoại lớn ở Việt Nam bên cạnh Thế giới Di động và FPT Shop. Tuy nhiên thông tin về chuỗi bán lẻ này vẫn hiếm hoi xuất hiện trên truyền thông.

Theo thông tin từ trang web của CellphoneS, đơn vị sở hữu chuỗi này là công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Diệu Phúc. Công ty này có địa chỉ tại 350-352 Võ Văn Kiệt, phường Cô Giang, quận 1, Tp. Hồ Chí Minh. Người đại diện của công ty Diệu Phúc là ông Đỗ Trần Trung.

Cửa hàng đầu tiên vốn được đặt dưới tên gọi CellphoneUK. Sau này phát triển thành chuỗi và đổi tên thành CellphoneS với tượng trưng cho hình chữ S của Việt Nam cũng như giá trị văn hóa gồm strength (sức mạnh), smiles (nụ cười).

Trước đây các cửa hàng của CellphoneS thường tập trung ở tại các tuyến phố lớn trung tâm của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh đó các sản phẩm thường ở phân khúc trung, cao cấp nên khách hàng thường là những người có thu nhập tốt, dành thời gian online nhiều, hiểu biết nhiều về công nghệ, có khả năng tự đưa ra quyết định mua hàng.

Khoảng 2-3 năm trở lại đây, với sự mở rộng hệ thống số cửa hàng của CellphoneS hiện có 67 cửa hàng ở 8 tỉnh thành phố, hầu hết các quận huyện 2 thành phố lớn đều có cửa hàng CellphoneS nên khách hàng của CellphoneS cũng được mở rộng hơn nhiều. Với mục tiêu phát triển kênh online, website CellphoneS hiện ở vị trí top 5 trong ngành điện thoại, máy tính xếp sau 4 ông lớn khác như TGDD, DMX , Samsung , FPT Shop.

Theo đánh giá từ giới công nghệ, chuỗi CellphoneS khá được lòng các khách hàng am hiểu về sản phẩm, có khả năng tự quyết định mua hàng cao và quen thuộc với việc mua hàng online .

Bên cạnh công việc kinh doanh chính, sau này một thành viên của CellphoneS là HuyNL mở kênh Youtube có tên “Schannel” với mục đích ban đầu là hỗ trợ việc quảng bá, bán hàng cho chuỗi CellphoneS.

Vượt qua cả kỳ vọng, Schannel không chỉ là kênh review sản phẩm công nghệ mà đã phát triển thêm đa dạng nội dung và trở thành nơi cung cấp thông tin, nội dung giải trí được yêu thích của nhiều người trẻ Việt. Hiện Schannel có hơn 2,92 triệu lượt đăng ký.

Sau này, anh Huy quyết định rời khỏi CellphoneS để tập trung phát triển, bành trướng Schannel. Tuy nhiên, hiện tại Schannel và CellphoneS vẫn là 2 đối tác quan trọng của nhau.

Để có thể đạt được thành công như hiện tại, CellphoneS đã tập trung phát triển hệ thống quản trị cả về con người lẫn hệ thống phần mềm. Điều này giúp doanh nghiệp này kiểm soát tốt được hoạt động kinh doanh cũng như chất lượng dịch vụ và thành quả là chất lượng dịch vụ, chính sách bảo hành, đổi trả tốt và giá bán của CellphoneS luôn thuộc nhóm tốt nhất trên thị trường.

Previous post Âm thầm đi thâu tóm, bầu Hiển đang nổi lên thành tay chơi lớn trong mảng điện gió – mặt trời đến cả các dự án LNG hàng tỷ đô
Next post New Asia mua hơn 6 triệu cổ phiếu TMS, trở thành cổ đông lớn của Transimex