May Đáp Cầu (DCG): 50% công nhân đã tiêm vaccine nhưng không thể mở cửa nhà máy vì quy định cách ly, Chủ tịch lo lắng nguy cơ phá sản cận kề
Giữa làn sóng thứ tư đại dịch Covid-19, tại trung tâm dịch Bắc Giang – Bắc Ninh, lòng người nóng như lửa đốt. Ông Lương Văn Thư – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP May Đáp Cầu (mã DCG – Upcom) vừa lo đàm phán với khách hàng để giãn thời gian giao hàng, đàm phán chuyển đơn hàng sang nơi sản xuất khác, vừa gửi đơn tới các cấp để xin nới cách ly nhà máy, cho công nhân đi làm bình thường. Mọi chuyện dường như đang ở ngoài sự kiểm soát của ông và Ban lãnh đạo Công ty.
Trả lời Tạp chí Dệt May & Thời trang Việt Nam, Chủ tịch CTCP May Đáp Cầu Lương Văn Thư cho biết khi làn sóng thứ tư bùng phát tại Bắc Ninh, Bắc Giang nơi có nhà máy của May Đáp Cầu trú đóng (Thị Cầu – Bắc Ninh), công ty đã thiết lập Tổ công tác chống Covid-19 do Chủ tịch và phó Chủ tịch công đoàn các đơn vị chịu trách nhiệm đứng đầu, kiểm tra thông tin hàng giờ, hàng ngày, cập nhật các sự cố nếu có để xử lý. Đo thân nhiệt, khai báo y tế, thực hiện việc người nào có người trong gia đình từ vùng dịch về phải được kiểm tra y tế nghiêm ngặt. Công tác ghi chép và lưu thông tin về dịch bệnh được Tổ công tác thực hiện đầy đủ.
Tuy nhiên, ngày 15/5/2021 một công nhân tại nhà máy có vợ là F0. Đến 3 ngày sau thì trường hợp F1 đó chuyển thành dương tính, tổ sản xuất nơi công nhân đó làm việc đã trở thành F1. Công ty đã cho phun khử khuẩn toàn bộ khu vực sản xuất đó, xét nghiệm toàn bộ 1500 công nhân tại nhà máy ở Đáp Cầu. Tuy tất cả đều âm tính nhưng công tác chống dịch vẫn được siết chặt tại nơi sản xuất.
“Công tác chống dịch chúng tôi làm tốt, và sau đó 3 tuần ở các nhà máy May Đáp Cầu không phát sinh thêm F0”, ông Thư chia sẻ.
May Đáp Cầu vẫn sản xuất rất tích cực cho đến khi có Chỉ thị 56 của tỉnh Bắc Ninh, yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện cách ly, cho công nhân ăn nghỉ tại chỗ làm việc để phòng Covid-19 lây lan, tuy nhiên người lao động không chịu.
“Họ cho rằng thời bây giờ điều kiện kinh tế không khó khăn tới mức phải ăn ngủ bên máy như thế. Vậy cho nên họ nghỉ, không đi làm. Chúng tôi vận động họ cách nào cũng không nổi. Hơn nữa, kể cả họ có đi làm, nhưng thực hiện giãn cách, chỉ được chưa tới 50% số máy hoạt động, chỗ ăn ngủ cho người lao động cũng không đủ nữa”, Chủ tịch May Đáp Cầu nói với phóng viên.
Ông cũng cho biết, trong trường hợp người lao động đi làm, thì phải được xét nghiệm PCR hai lần âm tính mới đủ điều kiện. Trong thời gian đi làm, mỗi tuần phải làm xét nghiệm PCR một lần. Chi phí xét nghiệm đắt đỏ do doanh nghiệp chi. Nếu tính sản xuất trong điều kiện như vậy thì không hiệu quả. Cho nên doanh nghiệp đã buộc phải dừng sản xuất từ 18/5 đối với nhà máy ở Thị Cầu, Đáp Cầu, và từ 2/6 đối với nhà máy ở Yên Phong.
Chủ tịch May Đáp Cầu cho biết doanh nghiệp đang rơi vào cảnh “sống dở chết dở” chưa từng xảy ra trước đây.
“Hàng ngày tôi như ngồi trên đống lửa, muốn chạy đến các nơi để giao dịch thì từng chốt chặn từng phường quá nghiêm ngặt. Hơn 800 chốt chặn mọi đường ngang ngõ tắt. Chúng tôi đang đàm phán với khách hàng để giãn thời gian giao hàng, khách hàng có thông cảm, nhưng giãn không được lâu. Hàng quần áo có thời vụ, là loại hàng nhanh, không thể hàng cho mùa này chuyển sang mùa khác được. Chúng tôi đành chuyển đơn hàng đi nơi sản xuất khác, nhưng tình hình cũng ngoài tầm kiểm soát. Mọi thứ cực kỳ khó khăn và chúng tôi chưa có giải pháp nào khả dĩ có thể thực hiện ngay để giải quyết các đơn hàng. Tình hình cách ly quá nghiêm ngặt như thế này thì chúng tôi không thể xoay sở được”, ông Thư buồn bã nói.
Công ty đã gửi đơn đi các nơi đề nghị nới lỏng cách ly nhưng đề nghị chưa được đáp ứng.
“Nhà máy vẫn đóng cửa, chúng tôi ngồi trên đống lửa nhìn đơn hàng đã ký, nhìn thời gian trôi đi mà đau lòng”, Chủ tịch May Đáp Cầu chia sẻ.
Ông Thư cũng cho biết, mặc dù 50% công nhân đã được tiêm phòng vaccine nhưng không thể tổ chức lại sản xuất nếu như cho công nhân “đi đi, về về”. Vì như vậy sẽ vi phạm Chỉ tịch 56 của tỉnh, còn “bị nhốt trong nhà máy” thì công nhân không đi làm.
“Chỉ còn cách chờ đợi cho làn sóng này lắng xuống, hết thời gian cách ly và giãn cách xã hội thì mới tổ chức sản xuất lại được. Chúng tôi tính rằng, trong trường hợp cuối tháng 6/2021, mọi thứ yên ổn, tổ chức sản xuất lại được thì May Đáp Cầu mới có thể trụ lại, bằng không thì nguy cơ phá sản tiềm ẩn là điều khó tránh. Lúc này, tôi xin nhắc lại, là chúng tôi chỉ còn cách kiên tâm chờ đợi mà thôi”, Chủ tịch May Đáp Cầu lo lắng.