Các loại tiền tệ, Bitcoin và vàng biến động thất thường

Dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này tháng 1/2022 tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng nhiều nhất kể từ tháng 2/1982.

Ngay sau thông tin này, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang bang St. Louis, James Bullard, cho biết lãi suất của Mỹ cần tăng 100 điểm cơ bản vào tháng 7, thêm rằng tư tưởng của ông đã trở nên ‘diều hâu’ hơn đáng kể so với trước đây, sau dữ liệu CPI mới nhất. Bình luận này của ông Bullard đã mở ra một làn sóng gia tăng đặt cược vào việc lãi suất của Mỹ sẽ tăng mạnh mẽ, khiến đồng USD rơi vào tình trạng giao dịch không ổn định trong phiên 11/2, khi lúc đầu phiên tăng vọt lên mức cao nhất 8 ngày, nhưng sau đó chật vật không giữ được mức đó và giảm vào cuối phiên giao dịch.

Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt của Mỹ – giảm 0,095% xuống 95,707 vào lúc kết thúc ngày 11/2 theo giờ Việt Nam.

Trong khi đó, đồng euro – đã tăng mạnh hồi tuần trước – quay đầu giảm trong tuần này sau khi Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, Christine Lagarde, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng việc tăng lãi suất bây giờ sẽ không làm giảm lạm phát của khu vực – đang ở mức cao kỷ lục – mà chỉ gây tổn hại cho nền kinh tế.

Đồng euro kết thúc tuần giảm 0,23% xuống 1,1401 USD.

Theo Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao thuộc OANDA, đồng bạc xanh có khả năng sẽ có ‘một vài tháng biến động” cho đến khi thị trường chắc chắn hơn về việc dòng chảy bảng cân đối kế toán của Fed (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ) sẽ bắt đầu như thế nào.

“Bạn sẽ thấy rằng sức mạnh của đồng đô la Mỹ sẽ được thúc đẩy chủ yếu dựa trên tâm lý e ngại rủi ro và hướng đến sự an toàn, và ngay bây giờ, tôi nghĩ rằng thị trường đang chăm chú theo dõi những gì các quan chức Fed thực sự có khả năng làm”.

Phát biểu của bà Lagarde cùng với phát biểu của ông Bullard về khả năng tăng lãi suất “dường như là tác nhân chính gây ra sự sự đảo ngược hoàn toàn xu hướng tăng tỷ giá EUR/USD gần đây, trở thành giảm mạnh như ngày hôm qua”, chuyên gia Chris Turner, người phụ trách mảng thị trường toàn cầu của ING cho biết.

“Nếu Fed siết chặt dòng tiền một cách mạnh mẽ, chúng tôi chắc chắn sẽ ủng hộ đồng USD, giữa bối cảnh các ngân hàng trung ương khác vẫn giữ lãi suất thấp”, ông Turner cho biết.

Ngân hàng Goldman Sachs hiện dự kiến ​​Fed sẽ tăng lãi suất 7 lần, mỗi lần thêm 25 điểm phần trăm trong năm nay, tăng so với dự báo trước đây là tăng 5 lần.

Các nhà hoạch định chính sách của Fed đều ra tín hiệu sẽ bắt đầu nâng lãi suất tham chiếu qua đêm từ mức gần 0 tại cuộc họp vào tháng 3 tới, chỉ vài ngày sau khi họ ngừng hoạt động mua hàng tỷ USD trái phiếu chính phủ mỗi tháng.

Đồng bảng Anh tăng nhẹ trong phiên cuối tuần, tính chung cả tuần tăng tuần thứ 2 liên tiếp do kỳ vọng ngân hàng trung ương Anh sẽ tiếp tục nâng lãi suất.

So với USD, bảng Anh tăng 0,2% trong phiên 11/2 lên 1,3577 USD, tính chung cả tuần tăng 0,3%. So với euro, bảng Anh tăng 0,5% lên 83,89 pence.

Sức mạnh của đồng bảng Anh so với đồng USD hoàn toàn trái ngược so với các đối thủ lớn khác của đồng bạc xanh, vốn đã suy yếu vào đầu phiên giao dịch trong bối cảnh kỳ vọng tăng lãi suất của Mỹ trong những tuần tới.

Các nhà phân tích hiện đang tin rằng ngân hàng trung ương Anh sẽ tăng lãi suất thêm 150 điểm phần trăm từ nay đến cuối năm, gần bằng mức tăng dự kiến là 170 điểm phần trăm của Fed.

Trái lại, rúp Nga giảm trong phiên cuối tuần, lùi khỏi mức cao nhất kể từ đầu tháng 1/2022, do rủi ro địa chính trị liên quan đến Ukraina gia tăng, bất chấp ngân hàng trung ương nước này tăng lãi suất và giá dầu cao.

Theo đó, rúp Nga kết thúc tuần ở mức giảm 1,2% xuống 75,90 RUB. Trong phiên thứ Năm (10/2), có lúc rúp đạt 73,255 RUB, cao nhất kể từ 3/1. So với euro, rúp cũng giảm 0,6% xuống 86,45 RUB.

Thị trường tiền tệ châu Á đồng loạt giảm trong phiên cuối tuần, dẫn đầu là baht Thái Lan và won Hàn Quốc, do lạm phát của Mỹ nóng hơn dự kiến gây ảnh hưởng đến tâm lý rủi ro và thúc đẩy các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ hơn.

Đồng baht giảm 0,3% trong phiên vừa qua, trở thành phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ ngày 28 tháng 1. Niềm tin của người tiêu dùng Thái Lan tháng 1 lần đầu tiên giảm trong vòng năm tháng do số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến. Đồng won của Hàn Quốc cũng giảm 0,2% trong phiên này.

Trong khi đó, ringgit Malaysia ổn định sau dữ liệu cho thấy nền kinh tế này đã trở lại tăng trưởng trong quý 4/2021. Rupiah giảm 0,1% trong phiên này, trong khi nhân dân tệ cũng giảm 126 pip xuống 6,3604 CNY.

Tiền tệ Mỹ Latinh tuần này tăng tương đối mạnh theo xu hướng giá hàng hóa, trong đó real Brazil dẫn đầu đà tăng, tăng 0,6% và tính chung cả tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 5 năm ngoái. Peso Mexico cũng tăng 0,6% do giá dầu tăng và sau khi ngân hàng trung ương nước này tăng lãi suất tham chiếu lên 50 điểm cơ bản đúng như dự đoán của thị trường. Peso của Chile giảm trong phiên cuối tuần, nhưng tính chung cả tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/2020.

Các thị trường USD, Bitcoin và vàng biến động thất thường sau dữ liệu lạm phát nóng của Mỹ - Ảnh 1.

Previous post Viconship (VSC): Quý 3 lãi 149 tỷ đồng tăng 73% so với cùng kỳ
Next post Xu hướng 2022 bất động sản đô thị vùng ven tiếp tục lên ngôi