Chủ tịch FiinRatings: Gần nửa triệu nhà đầu tư cá nhân đã tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ trong những gần đây, đặc biệt khối lượng phát hành đã tăng vọt trở lại trong quý 2. Chia sẻ tại Tọa đàm do Tạp chí điện tử VNEconomy tổ chức, ông Nguyễn Quang Thuân – Chủ tịch HĐQT FiinRatings cho biết sức đại chúng của thị trường ngày một lớn.

“Năm ngoái, nhà đầu tư cá nhân tham gia mua trực tiếp 14% tổng lượng trái phiếu phát hành. Đây là còn chưa kể lượng các công ty chứng khoán, ngân hàng phân phối thứ cấp. Thống kê sơ bộ có từ vài trăm nghìn đến nửa triệu nhà đầu tư cá nhân”, ông Thuân nói.

Thị trường trái phiếu phát triển giúp các doanh nghiệp tiếp cận vốn, đặc biệt trong giai đoạn COVID-19. Tính riêng giá trị phát hành đang lưu hành, số dư trái phiếu so với dư nợ hệ thống ngân hàng khoảng 12%. Tính trên phần nợ trung và dài hạn, tỷ lệ là trên 30%.

Theo Chủ tịch FiinRatings, trong những năm qua, nếu không có TPDN là kênh dẫn vốn, rất nhiều doanh nghiệp đã gặp vấn đề và hệ thống ngân hàng phải chịu nhiều gánh nặng.

Tuy nhiên, tình trạng hiện tại với các nhà phát hành là “vàng thau lẫn lộn”. Khảo sát của FiinRatings cho thấy một số doanh nghiệp có thể phát hành với chi phí vốn thấp hơn nhiều so với mức đã thực hiện.

Mặc dù đều có tài sản thế chấp, những theo ông Thuân, điều này sẽ không có nhiều ý nghĩa với các tổ chức không phải ngân hàng. Bởi ngay cả các công ty quản lý quỹ hoặc bảo hiểm hiện nay cũng không có nguồn lực để xử lý tài sản thế chấp.

Do đó, Chủ tịch FiinRatings cho rằng vai trò của xếp hạng tín nhiệm vào thời điểm này là cần thiết.

“Hiện nay khung pháp lý thiên về niêm yết và không niêm yết, nhưng không ai có thể đảm bảo niêm yết là có khả năng trả nợ tốt. Doanh nghiệp phát hành phần lớn là công ty dự án, rất ít trong số đó có hồ sơ tốt”.

Ông Thuân cũng nói rằng Việt Nam hiện đang thiếu một thị trường thứ cấp dành cho TPDN. Mặc dù đặc thù của thị trường TPDN tính thanh khoản không lớn bằng thị trường chứng khoán, nhưng có vai trò quan trọng về minh bạch và kê khai thông tin. Các nhà đầu tư cần thanh khoản cũng có thể bán ngay, lợi tức trái phiếu thay đổi chứ không còn dựa vào lãi suất coupon.

Nhìn về từ 3 – 5 tới, ông Thuân cho rằng TPDN chính là kênh cần theo dõi và hoàn thiện để tránh rủi ro với hệ thống tài chính Việt Nam giống như một số trường hợp vỡ nợ đang được xử lý tại Trung Quốc.

Previous post Hé lộ chủ đầu tư dự án hơn 300 tỷ tại trung tâm Hoà Bình
Next post Digiworld báo lãi 330 tỷ đồng sau 9 tháng, hoàn thành vượt kế hoạch năm