Thu ngân sách tại TP. HCM tăng đột biến từ tài chính, ngân hàng, bất động sản…

Cục Thuế TP. HCM nhấn mạnh, tình hình thu ngân sách trên địa bàn thành phố chịu ảnh hưởng tương đồng với các cấp độ triển khai kiểm soát dịch của chính quyền TP. HCM, chững và giảm nhẹ trong tháng 6, tháng 7. Đến tháng 8 thì suy giảm nhanh, và tháng 9 thì giảm sâu.

Một số loại hình sản xuất kinh doanh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 như hộ, cá nhân kinh doanh, cá nhân kinh doanh tại các chợ truyền thống; doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là doanh nghiệp các ngành dịch vụ du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ…

Song, số nộp ngân sách 10 tháng vẫn có sự ổn định và tăng trưởng so với cùng kỳ nhờ một số ngành nghề như: tài chính ngân hàng, dịch vụ hỗ trợ khai thác dầu khí, kinh doanh bất động sản, thương nghiệp về hàng tiêu dùng, sản xuất lương thực thực phẩm, vận tải kho bãi, thương mại điện tử.

Đáng chú ý, số nộp của các doanh nghiệp trọng điểm đã góp phần cân bằng nguồn thu, cũng như tạo động lực tăng trưởng sau giai đoạn giãn cách. Nguồn thu còn được bù đắp bởi một số khoản như thu từ chênh lệch giá khí (2.500 tỷ đồng), một số khoản thu khác ngân sách (gần 2.500 tỷ đồng), thu đột biến từ khu vực tài chính, ngân hàng, kinh doanh bất động sản…

Tính đến nay tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP. HCM đã thiện đáng kể. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10 ước tính tăng 23,6% so với tháng 9, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 27% so với tháng trước, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước, thu ngân sách 10 tháng tăng 7,24% so với cùng kỳ năm trước.

Previous post Tổng kết năm 2021: HoSE có 46 doanh nghiệp tỷ USD, Hoà Phát rời nhóm vốn hoá 10 tỷ USD
Next post Nhờ áp dụng một công thức, TGDĐ, Vingroup tìm và giữ được nhân tài như cách các tập đoàn lớn nhất thế giới Microsoft, Intel, Alphabet… đang làm