Fitch Ratings hạ triển vọng tín nhiệm của 5 ngân hàng Việt

Fitch Ratings đã điều chỉnh triển vọng về Xếp hạng tín nhiệm Nhà phát hành nợ dài hạn (Long-term Issuer default ratings – IDR) của 2 ngân hàng quốc doanh và 1 ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam từ tích cực xuống mức ổn định, và triển vọng của 2 ngân hàng thương mại cổ phần xuống mức tiêu cực từ mức ổn định trước đó.

Cụ thể, 3 ngân hàng bị điều chỉnh triển vọng từ ‘Tích cực’ xuống ‘Ổn định’, với IDR là ‘BB-’ bao gồm: VietinBank, Vietcombank và ANZ Việt Nam; 2 ngân hàng được điều chỉnh triển vọng từ ‘Ổn định’ xuống ‘Tiêu cực’, với IDR ở mức ‘B’ là ACB và MB.

Hành động này xuất phát từ mức tăng trưởng thấp – mặc dù tích cực – mà Việt Nam phải đối mặt từ đại dịch Covid-19 và khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến thông tin tín dụng của các ngân hàng trong thời gian tới. IDRs của cả 5 ngân hàng đã được phê chuẩn ở mức độ hiện tại vì Fitch Ratings mong đợi sự phục hồi kinh tế vững chắc vào năm 2021, mặc dù những tác động xấu từ đại dịch sẽ vẫn còn kéo dài đối với các ngân hàng.

Tăng trưởng GDP của Việt Nam đã chậm lại, đạt 3,82% trong quý I/2020 từ mức 7% trong quý IV/2019 và Fitch dự báo tăng trưởng cả năm ở mức 3,3%, đây sẽ là tốc độ chậm nhất kể từ năm đầu tiên cải cách đổi mới – 1987. Cú sốc kinh tế từ đại dịch sẽ khiến thất nghiệp gia tăng và có thể nhanh chóng đưa một lượng lớn lao động phi chính thức và chủ các doanh nghiệp siêu nhỏ vào tình trạng khó khăn tài chính nghiêm trọng.

Hôm 16/3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng đã tuyên bố cắt giảm lãi suất điều hành và chỉ đạo các ngân hàng thương mại hỗ trợ cho những người đi vay bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đồng thời nới lỏng các quy định về phân loại và trích lập dự phòng. Do đó, ngành ngân hàng đã trở thành một trung gian quan trọng trong việc cứu trợ tài chính và có thể sẽ chịu phần lớn gánh nặng chính sách.

Fitch đã hạ điểm môi trường hoạt động của Việt Nam từ ‘BB-‘  xuống ‘B +’, nhưng vẫn giữ triển vọng ổn định với dự đoán rằng sự chậm lại trong các hoạt động kinh tế chỉ trong ngắn hạn và sẽ có sự phục hồi đáng kể vào năm 2021, với dự báo tăng trưởng ở mức 7,3%. Theo Fitch, sự thiếu hụt đột ngột của động lực kinh tế mà các ngân hàng tại Việt Nam phải đối mặt trong những năm gần đây sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng tài sản và thu nhập của họ. Hơn nữa, khẩu vị rủi ro, vốn hóa và điểm số quản trị sụt giảm có thể sẽ gây áp lực cho các ngân hàng trong việc thực hiện những khoản cho vay hỗ trợ.

Triển vọng chất lượng tài sản cũng bị hạ xuống ‘Tiêu cực’ từ mức ‘Ổn định’ trước đó cho tất cả các ngân hàng Việt Nam mà cơ quan xếp hạng tín dụng này thực hiện đánh giá sức mạnh độc lập – VR. Triển vọng tiêu cực này cũng xem xét đến yếu tố tăng trưởng tín dụng nhanh chóng của các ngân hàng trong những năm gần đây, đặc biệt là cho vay tiêu dùng và cho vay không có tài sản bảo đảm. Tại một số ngân hàng, các khoản dự phòng rủi ro tín dụng chưa đủ, khiến cho “bộ đệm hấp thụ thua lỗ” vẫn còn khá mỏng. Nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục phải nắm giữ trái phiếu của Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC).

Ngoài ra, Fitch cũng dự đoán rằng lợi nhuận của các ngân hàng sẽ chịu áp lực đáng kể do nhu cầu tín dụng giảm và lãi suất cho vay thấp hơn sau khi NHNN tuyên bố cắt giảm lãi suất và yêu cầu các ngân hàng chung tay hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi lại không giảm quá nhiều vì mục đích đảm bảo lợi ích cho người gửi tiền. Tăng trưởng tín dụng chậm hơn và thu nhập từ phí thấp hơn có nghĩa là các ngân hàng có thu nhập lõi thấp hơn để chi trả cho các chi phí tín dụng. Chính vì vậy, Fitch đã hạ triển vọng về lợi nhuận của các ngân hàng xuống mức ‘Tiêu cực’.

Bộ đệm vốn mỏng cũng là một yếu tố yếu kém mà Fitch đã từng cảnh báo khi một số ngân hàng vẫn đang cố gắng đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của Basel II. Triển vọng về cơ cấu vốn của hầu hết các ngân hàng được Fitch xếp hạng là ‘Ổn định’ với hy vọng các ngân hàng sẽ có đủ lợi nhuận để hỗ trợ tăng trưởng bảng cân đối kế toán, ngoại trừ Vietinbank với triển vọng vốn hóa của nhà băng này được Fitch đánh giá là ‘Tiêu cực’, chất lượng tài sản yếu hơn so với các ngân hàng nội khác.

Lợi nhuận giữ lại thấp hơn do căng thẳng tín dụng tồi tệ hơn hoặc do tăng trưởng tài sản có rủi ro cao hơn từ các khoản cho vay theo chính sách của chính phủ cũng sẽ gây áp lực lên tỷ lệ vốn và có thể thúc đẩy điều chỉnh giảm triển vọng cho các ngân hàng trong tương lai. Fitch cho rằng chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước về việc các ngân hàng không phân phối cổ tức bằng tiền mặt là dạng tín dụng tích cực.

Đánh giá của Fitch về thanh khoản của các ngân hàng không có sự thay đổi trước tác động của Covid-19 khi kỳ vọng về tăng trưởng tín dụng chậm hơn và quản lý thanh khoản nhận được sự hỗ trợ lớn từ phía NHNN. Fitch cho rằng NHNN sẽ tiếp tục cung cấp thanh khoản cho hệ thống theo chỉ đạo của chính phủ.

Fitch nhấn mạnh rằng, xếp hạng của các ngân hàng thương mại tư nhân có thể trở lại ổn định nếu điều kiện kinh tế trở nên thuận lợi hơn cho phép các hoạt động kinh doanh phục hồi về mức trước đại dịch. Ngược lại, nếu căng thẳng tín dụng trong hệ thống trở nên rõ rệt hơn và vượt quá kỳ vọng cơ bản về lợi nhuận, vốn hóa của các ngân hàng sẽ xấu đi và khiến cho triển vọng xếp hạng sẽ tiếp tục bị hạ thấp.

Previous post Người trong cuộc tha thiết khuyên ai trên 40 “đừng dại vay tiền mua nhà”: Lý do đưa ra cực kỳ thuyết phục khiến sô đông gật gù
Next post Cuối tuần sóng gió, Trung Quốc ghi nhận số mắc Covid-19 trong cộng đồng cao kỷ lục kể từ đầu tháng 3