Nhà ở bình dân lên ngôi?

Phát triển nhà ở giá dưới 20 triệu đồng/m2

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện tại, phân khúc nhà ở giá trung bình thấp ở Việt Nam chiếm chủ yếu, đáp ứng tới 80% nhu cầu về nhà ở, còn nhà ở giá cao rất ít. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, thời gian qua, Chính phủ, bộ, ngành và địa phương đưa ra nhiều giải pháp phát triển nhà ở xã hội, nhưng đến nay lĩnh vực này vẫn chưa phát huy hiệu quả như mong muốn. Bộ Xây dựng đang phối hợp với các bộ, ngành đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa đổi cơ chế chính sách ưu đãi phù hợp, nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp.

Theo ông Hà, Bộ Xây dựng sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về phát triển nhà ở thương mại giá thấp – dưới 20 triệu đồng/m2. Cụ thể, với nhiều cơ chế đột phá như giảm thuế, giảm tiền sử dụng đất dự án, cắt bớt thủ tục thực hiện dự án… nhà ở thương mại giá thấp trong thời gian tới sẽ có bước phát triển.

Tuy nhiên, ông Hà cho rằng, đòi hỏi về nguồn cung tức là thị trường cần phải có đủ quỹ nhà ở để bán với mức giá hợp lý, diện tích nhỏ, phù hợp với nhu cầu của đại đa số người dân. Như vậy, nhà thương mại giá thấp chính là lựa chọn phù hợp với thực tiễn.

“Nhà thương mại giá thấp đang “vướng Luật”. Hiện tại, trong Luật Nhà ở chưa có loại hình nhà ở thương mại giá thấp.Những chính sách khác về sử dụng đất, thuế… lại liên quan đến những luật khác.Nếu các luật đó không sửa, chính sách về nhà ở thương mại giá thấp cũng không thể thực hiện được.Phát triển nhà ở thương mại giá thấp sẽ được làm thí điểm”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói.

Sẽ phát triển nóng

Xung quanh câu chuyện làm nhà giá thấp, ông Vũ Kim Giang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Hải Phát Land cho biết, hiện có hai rào cản lớn nhất cho việc phát triển phân khúc nhà ở giá thấp. Đầu tiên là vấn đề quỹ đất.Với doanh nghiệp, để tạo lập được quỹ đất giá rẻ, đồng bộ ở các thành phố lớn hiện nay rất khó, chỉ có thể đi tìm quỹ đất ở khu xa trung tâm.Nhưng nếu đất ở xa trung tâm thì lại thiếu hạ tầng xã hội, kết nối tiện ích đi kèm và câu chuyện bán nhà cho người dân, khách hàng sẽ lại rất khó. Nếu không có chính sách cụ thể cho việc tạo lập quỹ đất cho nhà thu nhập thấp, doanh nghiệp sẽ rất khó để xây dựng.

Bên cạnh đó, để phát triển được phân khúc nhà ở giá thấp, DN không chỉ cần nguồn vốn đầu vào hỗ trợ cho doanh nghiệp xây dựng mà khách hàng cũng cần vay vốn mua nhà.Nếu DN và người mua nhà vẫn đi vay ngân hàng với mức lãi suất thương mại thông thường thì sẽ rất khó phát triển nhà ở giá thấp.

“Nếu có quỹ đất riêng cho việc phát triển nhà ở giá thấp thì cần có chiến lược cụ thể, nhất là kết nối vùng”, ông Giang nói.

Ông Giang cho hay, nếu có cơ chế, chính sách tốt, doanh nghiệp sẽ hào hứng tham gia, dù có thể lợi nhuận từ làm nhà giá thấp không bằng các dòng sản phẩm khác.

Đánh giá thị trường bất động sản tại phân khúc bình dân, ông Matthew Powell- Giám đốc Savills Hà Nội cho rằng, các căn hộ giá bình dân đang có cơ hội phát triển nhất định trong xu hướng thị trường tăng giá.

Theo dữ liệu của Savills Hà Nội, nơi đây vẫn có thể phát triển các bất động sản nhà ở có mức giá khoảng 1,4 đến 1,6 tỷ đồng/căn 2 phòng ngủ. Địa điểm nằm tại các khu vực ngoài vành đai 3 hoặc có vị trí xa so với trung tâm.

Ông Matthew Powell cho rằng, các chủ đầu tư lớn đang tập trung vào phân khúc nhà ở vừa túi tiền, cung cấp nhà ở chất lượng tốt với giá tốt và ở vị trí thích hợp. Điều này vừa đảm bảo cho họ khả năng phát triển bất động sản với mức giá xác định, vừa có thể mang lại cho khách hàng và cư dân các điều kiện sống, lối sống, sự thuận tiện nhất định khi di chuyển vào trung tâm.

Theo Bộ trưởng Xây dựng, để giải quyết những khó khăn trước mắt, sẽ cho xử lý ngay những vấn đề còn tồn tại. Còn liên quan đến các luật hiện hành, Bộ Xây dựng sẽ báo cáo lên Chính phủ và đề xuất báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để quyết định.

Previous post Vợ ông Nguyễn Đức Chung tự ký giả chữ ký con trai để lập công ty bán Redoxy-3C độc quyền cho Hà Nội
Next post Những cái bắt tay nghìn tỷ của ngân hàng và bảo hiểm