TP.HCM cần làm gì để lấy lại 12 tỷ USD do COVID?

Kỳ họp thứ tư vừa qua HĐND TP.HCM đã thông qua 25 nghị quyết quan trọng định hướng cho sự phát triển kinh tế , xã hội, gồm hai giai đoạn từ nay đến 2022 và 2023 đến 2025. Trong đó có Nhóm giải pháp cấp bách cho giai đoạn phục hồi kinh tế – xã hội TP đến hết năm 2022. Thành phố đặt mục tiêu lấy lại những gì đất mất do tác động bởi COVID, ước tính là 12 tỷ USD. GDP 2022 phải quay trở lại mức của 2020.

Chia sẻ với BizLIVE, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nguyên cứu Phát triển TP.HCM cho rằng, để hiện thực hóa mục tiêu đề ra, thành phố phải khôi phục lại mọi hoạt động, kể cả hoạt động trong nhà và ngoài trời, kể cả du lịch trong nước và quốc tế.

Nhấn mạnh tầm quan trọng về một chiến lược y tế, chuyên gia cho rằng, chỉ cần y tế được kiểm soát tốt, mọi hoạt động phục hồi lại thì kinh tế thành phố tự động bật dậy. Bởi thành phố vốn năng động, con người bươn chải, quen sóng gió.

Kế đến, Trần Hoàng Ngân đề cập, trong GRDP của TP.HCM, khu vực dân doanh chiếm 70% còn khu vực doanh nghiệp nhà nước chiếm 13%, doanh nghiệp FDI 17%. Như vậy, dân doanh là chủ lực. Nhưng ông Ngân chỉ ra điểm vướng hiện nay với khối dân doanh chính là thủ tục hành chính.

“Thành phố phải cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Khi thành phố làm tốt cải cách hành chính thì khu vực dân doanh sẽ bùng lên”, ông Trần Hoàng Ngân cho biết.

Vị này nêu, vì năm 2021 mục tiêu của thành phố chưa đạt được do thời gian dài chống dịch nên năm 2022 chủ đề của thành phố tiếp nối nội dung của năm vừa qua, đó là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 , tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Theo chuyên gia này, thành phố cần phải được tiếp lực từ gói kích thích kinh tế của Chính phủ. Thành phố có xây dựng nội dung tận dụng tối đa các nguồn lực từ gói kích thích kinh tế của Chính phủ, vì thành phố là nơi nặng nhất xứng đáng được hưởng gói đó.

Ông Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng, thành phố phải dành thời gian rà soát tất cả dự án treo, chậm tiến độ.

“Ví dụ tuyến Vành đai 2 vướng chỗ nào, nếu thiếu vốn có thể đi vay hay phát hành trái phiếu, đấu giá đất sạch. Nghị quyết 54 của Quốc hội đề cập, khi bán tài sản này thành phố được giữ lại 50% và chỉ được dành cho hạ tầng, thời gian áp dụng từ 2017 đến 2022. Như vậy năm 2022 là năm cuối, cần phải tận dụng triệt để nguồn vốn từ việc rà soát các tài sản công, không để lãng phí”, chuyên gia chia sẻ.

Thành phố cần phải đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước lấy tiền làm hạ tầng. Thành phố hiện thiếu rất nhiều cầu đường, các nút giao vào bến cảng, sân bay cần được đầu tư nâng cấp.

Thành phố cũng cần giải phóng nhà ở trên kệnh rạch, hình thành nên đường vành đai ven sông thu hút du lịch trên sông.

“Thành phố có hệ thống sông, kênh rạch lớn, giải phóng nhà trên kệnh rạch sẽ tạo giao thông thuận lợi vừa đường trên sông và ven sông Sài Gòn phát triển được du lich sinh thái. Thành phố phải tận dụng được điều đó, là tiềm năng tiềm ẩn phải phát huy”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM đề cập.

Thành phố phải giải quyết làm sao lấy hạ tầng nuôi hạ tầng. Khi làm đường giá đất hai bên đường tăng lên, phải đấu giá đất sạch cho hai bên đường, lấy tiền để nuôi hạ tầng, tận dụng lợi thế địa tô chênh lệch.

Ngoài ra, thành phố cần thực hiện những đề án chuyển huyện thành quận, thành phố, chấp nhập cho người dân chuyển mục đích sử dụng đất để dân cất nhà, chuyển nhượng… Vì ông Ngân dẫn lại “dân giàu thì nước mạnh”.

Previous post Trung Quốc bất ngờ phát hiện 12 triệu trẻ em “không tồn tại”
Next post HAGL: Chuyển từ lỗ ngàn tỷ sang có lãi, mảng nuôi heo sau 1 năm đã thu về 94 tỷ lãi gộp trong quý 2 – gấp đôi con số từ cây ăn trái