Phó Chủ tịch Bamboo Capital (BCG): Khả năng không đạt kế hoạch năm 2021 là khá thấp, đã có lộ trình phát hành tăng vốn lên 10.000 tỷ đồng
Chiều 26/11/2021, Bamboo Capital (BCG) đã có buổi gặp gỡ trực tuyến với nhà đầu tư, tại đây Công ty công bố kế hoạch tăng vốn lớn thời gian tới cũng như huy động thêm từ kênh trái phiếu.
Theo ông Phạm Minh Tuấn – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc BCG Energy – tính đến nay BCG đang triển khai phương án phát hành cổ phiếu tỷ lệ 2:1 với giá 12.000 đồng/cp, thông qua đó sẽ tăng vốn lên hơn 4.400 tỷ đồng.
Công ty cũng sẽ phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư chiến lược nhằm huy động 600 tỷ đồng vào quý 1/2021. Với phương án này, hiện BCG đã xác định được các nhà đầu tư.
Tính riêng 2 khoản phát hành trên, vốn BCG dự tăng lên 5.000 tỷ đồng. Dài hơi hơn, BCG còn đang xây dựng kế hoạch tăng vốn lên 10.000 tỷ vào cuối năm 2022 và sẽ trình lên ĐHĐCĐ thường niên để được cổ đông chấp thuận.
“Kế hoạch tăng vốn này gắn liền với nhận định thị trường sẽ biến động mạnh, các chính sách của chính phủ được đẩy mạnh… Chúng tôi cũng có kế hoạch kinh doanh để làm backup”, ông Tuấn nói.
Mặt khác, BCG cũng lên kế hoạch huy động thêm 500 tỷ trái phiếu, tiếp tục đầu tư cho các dự án bất động sản và dự án năng lượng. Đại diện Công ty nhấn mạnh, việc sử dụng đòn bẩy tài chính sẽ tạo ra lợi nhuận cho cổ đông. Song song với lộ trình tăng vốn đã nằm trong kế hoạch để cân đối dần cơ cấu nợ/vốn chủ sở hữu và tăng cơ hội đầu tư vào các dự án khác.
Về kế hoạch phát triển dài hạn, ông Tuấn chia sẻ BCG vẫn tập trung vào mảng chính là năng lượng tái tạo và bất động sản. Tuy nhiên, Công ty cũng đang cân nhắc thêm mảng cơ sở hạ tầng, biến động khí hậu và đầu tư đường xá sẽ đem lại giá trị cho Công ty.
“BCG bắt đầu triển khai đầu tư và dự kiến biến Tracodi trở nên mạnh hơn về xây dựng cơ sở hạ tầng“, vị này nói. BCG theo đó đang tìm hiểu các cơ hội trong lĩnh vực mới là hydrogen và lĩnh vực năng lượng của Siemens Gamesa Renewable Energy để phát triển các dự án. BCG cũng xem xét các dự án về lưu trữ tích điện (energy savings). Riêng năm 2022, Công ty dự định bắt đầu thực hiện dự án hydrogen.
Mới đây, BCG vừa ký kết với Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C và Tập đoàn Sojitz phát triển dự án khu công nghiệp và hệ thống điện mặt trời áp mái cũng như các dịch vụ hạ tầng cho khu công nghiệp trên địa bàn phía bắc Việt Nam.
Về kinh doanh, quý cuối năm nay ban lãnh đạo cho biết có nhiều điều kiện thuận lợi và diễn biến tốt hơn dự kiến của Công ty. Mặc dù, một số thương vụ M&A cũng như tiến độ các dự án bất động sản có chậm trong quá trình triển khai vì dịch bệnh, nhưng khả năng Công ty không đạt kế hoạch năm là khá thấp.
Cập nhật tình hình đến cuối quý 3/2021, đại diện BCG cho biết các dự án bất động sản đã đưa vào vận hành mở bán là Casa Marina và King Crown Village (Giai đoạn 1). Mặt khác, dự án Malibu Hội An do tạm ngưng thi công vì dịch bệnh nên kế hoạch bàn giao phần condotel dời sang quý 1/2022. Còn dự án King Crown Infinity đã mở bán giai đoạn 1.
Tại mảng năng lượng, có dự án Phù Mỹ đã xây dựng xong và đang chờ chính sách giá mới. Trong 15 – 30 ngày tới, dự án này sẽ thực hiện đóng điện và chờ chính sách Điện VIII của Bộ Công thương. Công ty đã đưa vào vận hành tổng 457MW, bao gồm 4 dự án là BCG – CME Long An 1, BCG – CME Long An 2, Phù Mỹ (giai đoạn 1) và BCG Vĩnh Long.
Với dự án điện gió vì xác định làm sau nên thời gian xin và hoàn thiện thủ tục đấu nối pháp lý có sự kéo dài, do đó BCG không kịp để đạt được giá FIT tại ngày 31/10.