Ngân hàng nới cửa thu lãi lớn

Nửa đầu năm 2020 trôi qua, tỷ giá USD/VND gần như lặng sóng. Cũng như ở các kênh khác, thiếu hoặc ít sóng thường hạn chế mức độ lớn của khả năng sinh lời/rủi ro.

Nhưng, chính sự tĩnh lặng của tỷ giá USD/VND nửa đầu năm nay, cũng như cơ bản ổn định trong 2019, là môi trường để các ngân hàng thương mại (NHTM) mở rộng thêm cánh cửa tạo thu.

Cánh cửa này có tên gọi “Kinh doanh ngoại hối”, được hậu thuẫn rõ rệt từ nguồn cung ngoại tệ dồi dào năm qua và nửa đầu năm nay, dẫn thẳng vào cơ cấu thu nhập phi tín dụng.

Độ mở cánh cửa càng rộng, khối lượng đi qua càng lớn, giá trị hơn là tạo cơ cấu thu bền vững thay vì tiềm ẩn rủi ro nợ xấu như thu từ tín dụng.

Trước hết, về lượng, nhu cầu và quy mô giao dịch ngoại tệ của nền kinh tế ngày càng mở rộng. Đơn cử như, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam khoảng 5 năm về trước vào khoảng 300 – 330 tỷ USD, thì đến nay mục tiêu đã nhắm tới 500 tỷ USD và hơn nữa…

Hoặc nhìn sang thặng dư ngoại tệ của nền kinh tế. Kỷ lục dự trữ ngoại hối quốc gia liên tục vượt các mốc 50 – 60 – 70 – 80 tỷ USD những năm gần đây. Quy mô này đồng nghĩa với lượng bán lại, giao dịch qua các NHTM rồi kết dư về Ngân hàng Nhà nước.

Hay cụ thể hơn, báo cáo tài chính các NHTM cũng thể hiện rõ. Như tại Vietcombank hay BIDV, những thành viên nắm thị phần thanh toán quốc tế, cũng như có doanh số mua bán ngoại tệ hàng đầu trong hệ thống, tốc độ gia tăng về lượng rất đáng chú ý các kỳ gần đây.

Như trong năm 2019, thu nhập thuần từ kinh doanh ngoại tệ của Vietcombank tăng tới 49,2%; BIDV cũng tăng tới 44%. Nửa đầu 2020, tốc độ này tiếp tục thể hiện ở mức độ hai con số.

Như trên, thu nhập từ kinh doanh ngoại tệ tăng trưởng rất mạnh trong bối cảnh tỷ giá ổn định và ít sóng. Chính sự ổn định của tỷ giá USD/VND đã và đang là môi trường thuận lợi.

Những ngày này, khi mà đồng USD trên thị trường quốc tế giảm tới 7-8% chỉ khoảng một tháng trở lại đây, tỷ giá USD/VND cũng có xu hướng giảm (theo hướng VND lên giá). Tuy nhiên, có một chốt chặn là mức giá Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước yết mua hàng ngày, tỷ giá khó xuyên qua.

Trong xu hướng đó, nguồn thu về chất qua cánh cửa nói trên mở rộng thêm.

Thoạt tiên, trước xu hướng đi xuống của tỷ giá USD/VND, các NHTM thường rút sâu giá mua vào USD như giảm thiểu rủi ro giá xuống. Phản ứng này thể hiện rõ trong nhiều đợt tỷ giá lao dốc trước đây, mang tính thời điểm. Nhưng trong bối cảnh rất ổn định từ trong 2019 đến nay, việc rút sâu giá mua vào USD tạo chất lượng cho phần thu.

Cụ thể, trong cả chục năm qua, khi thị trường ổn định, chênh lệch giá mua vào so với bán ra USD của các NHTM chỉ trong khoảng 70 – 80 VND, tạo thu nhập lãi thuần.

Thế nhưng, trong khoảng một năm trở lại đây, chênh lệch trên bắt đầu doãng rộng.

Thời điểm này năm ngoái, chênh lệch giá mua bán USD của các NHTM nói chung phổ biến chỉ khoảng 100 – 120 VND (tùy thuộc giao dịch tiền mặt hay chuyển khoản). Nhưng nay, cánh cửa này đã mở rộng tới 170 – 220 VND tại nhiều thành viên.

Mức độ thay đổi trên đồng nghĩa thu chênh lệch trong mua bán ngoại tệ có thể gấp đôi so với những năm trước, góp phần quan trọng cho lợi nhuận các NHTM. Tất nhiên, chênh lệch thay đổi theo biến động của thị trường và tỷ giá, nhưng về cơ bản trong 2019 đến nửa đầu năm nay được nới rộng hẳn và giữ khá ổn định. Hoặc chênh lệch thấp hơn nếu bán về Ngân hàng Nhà nước, dù vậy hiện vẫn cao hơn nhiều so với giai đoạn trước đây.

Trong lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối, có những cấu phần khác nữa. Ngân hàng có thể lãi hoặc lỗ khi nắm hoặc lệch sóng trên liên ngân hàng, qua các nghiệp vụ phái sinh những thời điểm biến động… Nhưng mua bán ngoại tệ với thực tế chênh lệch trên đang là điểm đáng chú ý trong lợi nhuận các ngân hàng hiện nay.

Và sau năm 2019 thắng lợi, nửa đầu năm nay nhiều NHTM cùng tiếp tục báo lãi lớn ở khoản mục này với chênh lệch giá mua bán doãng rộng như vậy.

Previous post Cuộc sống xa hoa đáng ngưỡng mộ của vợ chồng ông chủ tập đoàn xa xỉ Kering
Next post Thảo Điền Green đảm bảo pháp lý, quyền lợi cư dân