ĐHĐCĐ Gemadept (GMD): Cảng nước sâu Gemalink liên tục đón tàu mới, kỳ vọng sẽ có lãi ngay trong năm 2021
Sáng ngày 30/6/2021, Gemadept (GMD) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2021, thông qua kế hoạch doanh thu hợp nhất năm 2021 dự kiến 2.800 tỷ đồng, tăng 7%; lợi nhuận trước thuế 700 tỷ đồng, tăng 37% so với thực hiện 2020. Ở kịch bản trung bình, doanh thu dự tăng nhẹ 4% lên 2.700 tỷ đồng và lợi nhuận tăng 23% lên 630 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo GMD cũng trình phương án chia cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt tỷ lệ 12%, mỗi cổ phiếu được nhận 1.200 đồng.
Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, GMD ghi nhận doanh thu 2.606 tỷ đồng, giảm nhẹ so với 2019; lãi sau thuế 440 tỷ đồng. Dù vậy, điểm sáng trong năm vừa qua Công ty đã giải ngân 4.600 tỷ đồng, đầu tư xây dựng để đưa dự án cảng nước sâu Gemalink giai đoạn 1 vào khai thác ngay từ đầu năm 2021.
Gemalink bắt đầu có lãi trong quý 2, dự kiến hoạt động tối đa công suất từ quý 3/2021
Được biết, Gemalink có lợi thế về vị trí đắc địa là nằm trên tuyến luồng hàng hải quốc tế, ngay cửa sông Thị Vải – Cái Mép với mớn nước sâu nhất, thuận tiện cho việc quay trở tàu; tổng chiều dài cầu bến là gần 1.200 m, có thể tiếp nhận đồng thời 3 tàu mẹ và 2 tàu feeder ra vào làm hàng; đây cũng là cảng nước sâu duy nhất khu vực Cái Mép – Thị Vải có bến chuyên dụng cho tàu feeder kết nối các nước khu vực Châu Á như Philippines, Thái Lan, Campuchia và trong nước như Hải Phòng, Đà Nẵng, Qui Nhơn cũng như khu vực Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Đồng bằng sông Cửu Long.
Chuyến tàu thương mại đầu tiên của Gemalink đã được khai thác ngày 19/1/2021 và liên tục đón thêm tàu mới. Hiện, Gemalink đang hoạt động 90% công suất và từ quý 3/2021 sẽ hoạt động tối đa công suất giai đoạn 1. Tương ứng, doanh thu đóng góp 40 triệu USD, lợi nhuận 1,7-1,8 triệu USD cho năm 2021.
Ông Đỗ Văn Nhân, Chủ tịch HĐQT Gemadept cho biết: “Cảng Gemalink đưa vào khai thác khi thị trường khai thác rất tốt, khi sản lượng hàng hoá qua nhóm Cảng Thị Vải – Cái Mép liên tục tăng trưởng 2 con số trong những năm qua. Trong quý 1/2021, cảng Gemalink khai thác lỗ, tuy nhiên từ quý 2/2021 trở đi đã bắt đầu có lãi”.
Ông Nhân hy vọng năm 2021 cảng Gemalink sẽ có lãi ngay năm đầu khai thác – điều rất hiếm cảng nào trên thế giới thực hiện được. Đây là nền móng quan trọng cho doanh nghiệp phát triển kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Giai đoạn 2021-2025 mục tiêu tăng trưởng bình quân 2 con số, trình kế hoạch ESPP không quá 1,5% vốn điều lệ tại thời điểm phát hành trong mỗi năm
Về kế hoạch đầu tư, Gemadept sẽ tiếp tục xúc tiến các dự án trọng điểm nhằm mở rộng quy mô và tạo tiền đề cho các kế hoạch tăng trưởng dài hạn giai đoạn 2021-2025.
Tại dự án cảng Gemalink – giai đoạn 2: Công ty sẽ triển khai chuẩn bị cho công tác thu xếp nguồn vốn để xây dựng trong quý 4/2021 với diện tích 39 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 4.200 tỷ đồng, công suất 900.000 Teus/năm, mục tiêu đưa vào khai thác từ năm 2023.
Tại dự án Cảng Nam Đình Vũ – giai đoạn 2: Gemadept sẽ triển khai trong năm nay và đưa vào sản xuất kinh doanh vào cuối năm 2022. Được biết, quy mô dự án Cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2 – 3 vào khoảng 22-44 ha, tổng vốn đầu tư 2.000 – 4.500 tỷ đồng.
Công ty cũng lên kế hoạch phát triển các dự án mới gồm nghiên cứu và đầu tư cảng biển, cảng hàng hoá hàng không, cảng thuỷ nội địa, Trung tâm Logistics, DC, ICD, Khu công nghiệp… Đơn cử hệ thống Trung tâm Logistics và ICD phía nam với quy mô 10 ha với tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng.
Đối với lĩnh vực bất động sản, Gemadept đang đầu tư 2 dự án khu phức hợp là dự án Saigon Gem tại khu trung tâm quận 1, Tp.HCM và dự án khách sạn 5 sao tại Viêng Chăn, Lào.
Trong đó, dự án Saigon Gem đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục pháp lý để có thể triển khai xây dựng. Dự án tại Viêng Chăn thì đang trong giai đoạn thi công phần móng và hầm, có quy mô 6.715 m2, theo thiết kế sẽ cung cấp phòng Hội nghị và các phòng khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao ngay Thủ đô của Lào sau khi hoàn thiện.
Với những chỉ tiêu trên, ban lãnh đạo kỳ vọng kế hoạch 5 năm sẽ đạt mức tăng trưởng 2 con số mỗi năm. Đến cuối năm 2025, Công ty mục tiêu tăng lợi nhuận lên gấp 3 lần so với năm 2020.
HĐQT cũng trình cổ đông phê duyệt phương án phát hành cổ phiếu ESPP giai đoạn 2021 – 2025 nhằm tạo động lực mạnh mẽ cho đội ngũ cán bộ công nhân viên cùng đóng góp tích cực để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng trong 5 năm tới. Trong đó, giá phát hành ưu đãi và không thấp hơn mệnh giá. Số lượng cổ phiếu phát hành trong 5 năm cho giai đoạn 2021 – 2025 tối đa không vượt quá1,5% số lượng cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm phát hành trong mỗi năm.
Cổ phiếu ESPP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 2 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành, trong năm thứ 3 giải tỏa 50% số cổ phần và trong năm thứ 4 giải tỏa 50% số cổ phần còn lại.
Trên thị trường, đi cùng sự tăng trưởng lạc quan của ngành vận tải biển từ đầu năm, thị giá GMD đang vào mức 43.150 đồng/cp, tăng cao gấp 3 sau 1 năm và gần gấp đôi mức giá thiết lập từ đầu năm 2021, thanh khoản cải thiện mạnh.