Chấn chỉnh tình trạng ép người vay tiền tham gia gói bảo hiểm nhân thọ
Cụ thể, vào vai người có nhu cầu cần vay vốn, phóng viên TTXVN đã liên hệ đến Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam – Chi nhánh Tây Ninh để vay số tiền 200 triệu đồng. Tại đây, sau khi rà soát hồ sơ, cũng như xét năng lực của người cần vay xét thấy đủ điều kiện, cán bộ tín dụng của ngân hàng đã ấn định mức tham gia gói bảo hiểm nhân thọ phải tham gia đóng phí tối thiểu là 20 triệu đồng/năm (tức tương đương bằng 10% khoản vay); theo đó, người vay sẽ có quyền lợi là áp dụng mức lãi vay ưu đãi và được giải ngân sớm trong vòng từ 3 đến 5 ngày.
Khi phóng viên từ chối không muốn tham gia gói bảo hiểm nhân thọ (với lý do bản thân hiện đã tham gia một gói bảo hiểm nhân thọ khác, xin được bổ sung hồ sơ), nhưng đã bị từ chối cho vay, vì không tham gia gói bảo hiểm của ngân hàng vừa tư vấn; với lý do đây là quy định của Ngân hàng.
Anh H.T.P, 27 tuổi, trú tại xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh cho biết, do nhu cầu vốn cuối năm, nên anh đã liên hệ với ngân hàng trên để vay với khoản vay 1 tỷ đồng, được ngân hàng tư vấn gói bảo hiểm nhân thọ tối thiểu phải tham gia đóng hằng năm là 60 triệu đồng, nhận định đây là khoảng phí phải bỏ ra quá lớn, mà nhu cầu bản thân không muốn tham gia gói bảo hiểm này, nên anh đã tìm đến các ngân hàng khác để xin vay vốn.
Tuy nhiên, khi tiếp nhận phản ánh từ phóng viên, Giám đốc Chi nhánh Tây Ninh của ngân hàng nêu trên khẳng định, Ngân hàng hoàn toàn không có quy định yêu cầu khách hàng mua bảo hiểm mới cho vay. Ngân hàng sẽ kỷ luật nhân viên nếu kiểm tra có dấu hiệu làm sai quy định.
Bà N.T.N, sinh năm 1976, trú tại xã Thanh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh cũng là một trong những nạn nhân của tình trạng bị ép tham gia bảo hiểm nhân thọ khi vay vốn tại ngân hàng này chia sẻ, vào khoảng tháng 9/2019, bà đã vay 400 triệu đồng và ngân hàng yêu cầu bà phải tham gia gói bảo hiểm nhân thọ có mức đóng hàng năm là 20 triệu đồng.
Dù biết phải mua bảo hiểm tương đương 5% khoản vay, nhưng do cần tiền gấp nên ba N.T.N đành chấp nhận. Sau 1 năm đáo hạn ngân hàng, thì bà đã không tiếp tục đóng bảo hiểm năm tiếp theo và chấp nhận bỏ số tiền đã đóng bảo hiểm trước đó.
Trao đổi về vấn này, ông Nguyễn Xuân Hiền, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Tây Ninh cho biết, trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Tây Ninh đã nhận được thông tin phản ánh của khách hàng, theo đó đã ban hành Công văn số 947/TNI-TTGSNH để chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh bảo hiểm và đại lý bảo hiểm của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, theo tinh thần chung của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn có trường hợp cán bộ tín dụng tư vấn cho khách hàng không rõ ràng, gắn việc mua bảo hiểm nhân thọ và các loại bảo hiểm khác khi cấp tín dụng.
“Nếu theo đúng như phản ánh của khách hàng, thì việc cán bộ tín dụng ngân hàng ép mua bảo hiểm nhân thọ khi cho vay tiền là không đúng với quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm”, ông Nguyễn Xuân Hiền khẳng định.
Ông Nguyễn Xuân Hiền cũng cho biết, trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Tây Ninh sẽ quyết liệt chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc theo quy định về hoạt động tín dụng và hoạt động đại lý bảo hiểm; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng thẩm quyền.