Giao dịch liên ngân hàng tăng mạnh những ngày cuối năm
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố báo cáo hoạt động ngân hàng trong tuần cuối tháng 1/2021 (báo cáo mới nhất).
Theo đó, lãi suất tiền gửi bằng VND hiện phổ biến ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,1-3,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,0-6,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 5,6-6,8%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ở mức 4,5%/năm.
Lãi suất huy động USD vẫn ở mức 0% trong khi lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 3,0-6,0/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 3,0-4,5%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,2-6,0%/năm.
Trên liên ngân hàng, theo báo cáo của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài qua hệ thống báo cáo thống kê, doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong kỳ bằng VND đạt xấp xỉ 526.706 tỷ đồng, bình quân 105.341 tỷ đồng/ngày, tăng 26.181 tỷ đồng/ngày so với tuần 18/01 – 22/01; doanh số giao dịch bằng USD quy đổi ra VND trong tuần đạt khoảng 156.474 tỷ đồng, bình quân 31.295 tỷ đồng/ngày, tăng 3.158 tỷ đồng/ngày so với tuần trước đó.
Như vậy, những ngày cuối năm, giao dịch trên liên ngân hàng tăng khá mạnh bởi nhu cầu thanh khoản tăng cao, tổng cả USD và VND lên đến hơn 136.000 tỷ đồng mỗi ngày.
Về lãi suất, trong kỳ NHNN công bố báo cáo lãi suất vẫn duy trì mức thấp, trong đó lãi suất VND bình quân kỳ hạn qua đêm, 01 tuần và 01 tháng lần lượt là 0,17%/năm, 0,31%/năm và 0,85%/năm, trong khi lãi suất USD bình quân liên ngân hàng qua đêm, 01 tuần và 01 tháng lần lượt là 0,12%/năm, 0,15%/năm và 0,24%/năm.
Tuy nhiên sang tuần đầu tiên của tháng 2, lãi suất liên ngân hàng lại tăng rất mạnh, lên đến hơn 2%/năm – là mức đỉnh cao nhất trong 1 năm trở lại đây. Nguyên nhân là do nhu cầu thanh khoản của các nhà băng lên cao hơn nhằm phục vụ việc chi trả lương, thưởng và rút tiền chi tiêu dịp Tết nguyên đán của người dân. Ngân hàng Nhà nước trong tuần này cũng đã bơm ròng hơn 24.000 tỷ đồng để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thông qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO).