Không thẩm định, ông Trần Phương Bình duyệt vay tín chấp hàng trăm tỷ cho công ty lỗ triền miên
Theo cáo trạng vụ án sai phạm tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank – DAB), ông Trần Phương Bình , nguyên là Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc ngân hàng cùng 11 bị can bị truy tố thực hiện hành vi gây thiệt hại cho DAB hơn 8.827 tỷ đồng.
Trong đó gồm hành vi Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, cho 4 nhóm khách hàng (gồm M&C, Đồng Tiến, Hiệp Phú Gia, Tân Vạn Hưng) gây thiệt số tiền hơn 8.751 tỷ đồng; hành vi Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt số tiền hơn 75 tỷ đồng.
Bài này xin tiếp tục đề cập tới sai phạm cho vay ở nhóm khách hàng Đồng Tiến (gồm Công ty TNHH Thép Đồng Tiến và Công ty TNHH Tư vấn đầu tư TBTP).
Từ năm 2008 đến năm 2015, Công ty Đồng Tiến và Công ty TBTP đã ký tổng cộng 329 hợp đồng tín dụng để vay DAB tổng số tiền hơn 4.375 tỷ đồng. Đến ngày 24/12/2018 (thời điểm khởi tố vụ án), 58 hồ sơ vay của 2 công ty còn dư nợ hơn 1.690 tỷ đồng gồm gốc và lãi. Trong số đó có 10 khoản vay tín chấp tại DAB.
Cụ thể, từ ngày 25/5/2013 đến 13/9/2013, các công ty thuộc nhóm khách hàng Đồng Tiến ký 10 hợp đồng vay tín chấp tại DAB Sở giao dịch không có tài sản bảo đảm, mục đích vay để thanh toán LC và bổ sung vốn lưu động (7 hợp đồng của Công ty Đồng Tiến và 3 hợp đồng của Công ty TBTP), giải ngân cho vay số tiền 265 tỷ đồng. Tính đến ngày 24/12/2018, 10 hợp đồng cho vay tín chấp còn dư nợ gần 400 tỷ đồng gồm gốc và lãi.
Theo kết quả điều tra, về hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty thuộc nhóm khách hàng Đồng Tiến, các doanh nghiệp này có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả, hàng năm đều lỗ lớn, tăng dần. Trong đó, Công ty Đồng Tiến, năm 2011 lỗ hơn 68,85 tỷ đồng, năm 2012 lỗ hơn 137 tỷ đồng, năm 2013 lỗ hơn 201 tỷ đồng; Công ty TBTP, năm 2011 lỗ hơn 167 triệu đồng; năm 2012 lỗ hơn 13,48 tỷ đồng; năm 2013 lỗ hơn 20,33 tỷ đồng…
Mặc dù hoạt động kinh doanh của các công ty này đều bị lỗ, nhưng ông Trần Phương Bình vẫn chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ cho vay và phê duyệt cho các công ty này vay vốn. Khi thẩm định, xét duyệt để cấp tín dụng cho các công ty này vay vốn, không có tài sản bảo đảm cho từng khoản vay, cho vay bằng hình thức tín chấp không đúng đối tượng cho vay theo quy định của pháp luật. Các nhân viên, lãnh đạo DAB khi đó chỉ thẩm định trên hồ sơ đề nghị vay vốn, không thẩm định thực tế hiệu quả phương án kinh doanh trước khi quyết định cấp tín dụng.
Về việc sử dụng tiền vay: Công ty Đồng Tiến được DAB giải ngân cho vay tại 7 hợp đồng tín dụng với tổng số tiền 163 tỷ đồng, đã sử dụng 133,62 tỷ đồng để mua phế liệu sắt thép của đối tác trong nước và nhập khẩu và các hoạt động sản xuất kinh doanh. Công ty TBTP được giải ngân cho vay tại 3 hợp đồng tín dụng tổng số 102,1 tỷ đồng và đã sử dụng toàn bộ số tiền này để thanh toán LC nhập khẩu phế liệu sắt thép cho đối tác nước ngoài và được dùng làm nguyên liệu sản xuất sản phẩm thép cho Nhà máy Thép Đồng Tiến, việc sử dụng tiền của các công ty này là đúng mục đích như phương án kinh doanh tại hồ sơ khi vay mà các công ty đã cung cấp cho DAB.
Theo quy định tại Điều 49, 50 tại Nghị định số 163 ngày 29/12/2006 của Chính phủ về Đăng ký giao dịch đảm bảo và Điều 5 Quy chế bảo đảm tiền vay số QC-TD-003 ngày 22/4/2013 của Hội đồng Quản trị DAB, quy định đối tượng để tổ chức tín dụng xét duyệt cho vay tín chấp là cá nhân, hộ gia đình nghèo thuộc các tổ chức chính trị – xã hội. Tổ chức tín dụng giải quyết cho vay phải có sự bảo lãnh của chính tổ chức chính trị – xã hội mà cá nhân, hộ gia đình nghèo đó là thành viên.
Kết quả điều tra xác minh tại DAB xác định đối tượng mà DAB xét duyệt, cấp tín dụng cho vay tín chấp không có tài sản đảm bảo đối với 10 khoản vay nêu trên là các công ty hoạt động theo Luật doanh nghiệp, không có tổ chức chính trị – xã hội nào bảo lãnh cho các khoản vay này.