Có gì trong “tủ thuốc” của các ngân hàng trung ương?
Một khái niệm khó có thể tưởng tượng rằng sẽ được áp dụng trong lịch sử ngân hàng trung ương, ít nhất là vào hai tuần trước: mua trái phiếu không giới hạn. Hiện tại, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và một số ngân hàng trung ương khác đang cam kết tạo ra một “đại dương tiền” dường như vô tận dành cho các nền kinh tế đang quay cuồng vì đại dịch Covid-19.
Trong quá trình này, các ngân hàng trung ương đang mở rộng vai trò truyền thống của mình là người cho vay cuối cùng đối với hệ thống tài chính, hứa hẹn hỗ trợ không chỉ các ngân hàng, nhà đầu tư mà còn cho các doanh nghiệp và thậm chí cho cả các cá nhân. Thị trường bắt đầu “thở phào” nhẹ nhõm, mặc dù một số lo lắng vẫn còn hiện hữu về việc liệu những can thiệp mạnh mẽ như vậy có thể tạo ra một cú sốc lạm phát hay không.
1. Tại sao có sự thay đổi?
Bởi vì sự nghiêm trọng của mối đe dọa kinh tế do đại dịch gây ra, và tác dụng yếu kém của công cụ truyền thống của ngân hàng trung ương – giảm lãi suất. Fed đã đưa lãi suất chính trở về gần bằng 0, thông qua hai đợt cắt giảm khẩn cấp vào tháng 3. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã giảm lãi suất cho các khoản vay đối với các ngân hàng thương mại với số tiền lớn nhất kể từ năm 2015. Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Nhật Bản đã có lãi suất dưới 0. Nhưng các công cụ tiền tệ truyền thống dường như không đủ.
2. Tại sao các công cụ truyền thống không đem lại hiệu quả như mong đợi?
Cắt giảm lãi suất thường hoạt động bằng cách khiến cho chi tiêu của các công ty và hộ gia đình hấp dẫn hơn. Nhưng nó không phải là liều thuốc tốt nhất để điều trị các nền kinh tế đang phải đối mặt với cả cú sốc “cung” và “cầu”. Nói cách khác, chi phí vay rẻ hơn sẽ không tác động nhiều đến các nhà máy bị thiếu nguyên liệu hay giúp người tiêu dùng trở lại mua sắm hoặc ăn uống khi các thành phố ở trong tình trạng bị phong tỏa.
3. Ngoài việc cắt giảm lãi suất, các NHTW làm gì để hỗ trợ thị trường tài chính?
Những tin tức xấu về đại dịch và những biến động kinh tế đi kèm đã dẫn đến việc bán tháo tài sản trên diện rộng, khi các nhà đầu tư tìm kiếm những nơi trú ẩn an toàn hơn cho nguồn vốn của họ. Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới ngay lập tức có những bước can thiệp mạnh mẽ nhằm ngăn chặn một vòng luẩn quẩn, giúp thị trường duy trì hoạt động trơn tru và hiệu quả hơn.
Gần đây nhất, Fed đã phản ứng với các dấu hiệu căng thẳng trên thị trường bằng việc hồi sinh các chương trình nới lỏng đặc biệt kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Fed cam kết mua lại tài sản trị giá 1.000 tỷ USD và nới lỏng định lượng không giới hạn, trong đó bao gồm việc chi 625 tỷ USD mua trái phiếu mỗi tuần. Với tốc độ mua như vậy, Fed sẽ sở hữu 2/3 thị trường trái phiếu trong một năm. Fed cũng sẽ mua trái phiếu hạng đầu tư trên thị trường sơ cấp, thứ cấp và thông qua các quỹ ETF. Can thiệp vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp là động thái chưa từng có tiền lệ của Fed nhằm hỗ trợ thanh khoản cho khối doanh nghiệp.
Hồi đầu tháng 3/2020, ECB cho biết các ngân hàng châu Âu sẽ có thể vay tiền với lãi suất -0,75%. Điều này có nghĩa khuyến khích các ngân hàng vay tiền từ ngân hàng trung ương và cho các doanh nghiệp và người dân vay.
Hôm qua 30/3, PBOC tuyên bố sẽ tiếp tục bơm 50 tỷ nhân dân tệ (7,1 tỷ USD) vào hệ thống ngân hàng bằng các thỏa thuận mua lại đảo ngược 7 ngày, đồng thời cắt giảm lãi suất cho các khoản vay từ 2,4% xuống còn 2,2%. Trước đó, Bắc Kinh đã bổ sung 100 tỷ nhân dân tệ vào thị trường liên ngân hàng với công cụ cho vay trung hạn và cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc giúp giải phóng 550 tỷ nhân dân tệ trong các quỹ dài hạn.
Ngân hàng dự trữ Úc sẽ cung cấp các hoạt động mua lại nhiều hơn và trong thời gian dài hơn để đảm bảo thị trường tín dụng hoạt động trơn tru sau khi nước này đạt được mức thanh khoản kỷ lục là 8,8 tỷ đô la Úc (5,4 tỷ USD) trong hoạt động thị trường mở thông thường. Úc cũng cam kết nhiều hoạt động mua lại ngắn hạn hơn nữa để hỗ trợ thị trường tài chính và các doanh nghiệp nhỏ đồng thời cho biết họ đã sẵn sàng để mua trái phiếu chính phủ.
Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) cũng đang mua các quỹ ETF, như một phần trong nỗ lực ổn định thị trường tài chính. Vào giữa tháng 3, BOJ đã tăng gấp đôi mục tiêu mua ròng lên 12 nghìn tỷ yên (112 tỷ USD).
4. Tại sao lại mua trái phiếu nhiều như vậy?
Ở Mỹ, thị trường chứng khoán được chú ý tới nhiều, nhưng thị trường này còn xa mới đạt quy mô thị trường trái phiếu – một trong những thị trường lớn nhất và quan trọng bậc nhất trên toàn cầu. Thị trường trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm tác động tới kinh tế vĩ mô, bởi nó ảnh hưởng tới lãi suất cho vay mua nhà, thẻ tín dụng, cũng như các loại lãi suất khác ở trong hay ngoài nước Mỹ. Nhà đầu tư tự tin rằng chính phủ Mỹ không bao giờ vỡ nợ trái phiếu, nên trái phiếu của nền kinh tế lớn nhất thế giới được sử dụng để định giá nhiều loại tài sản; khiến thị trường trái phiếu Mỹ trở thành thị trường nợ lớn nhất thế giới.
Ở thời điểm hiện tại, thị trường trái phiếu lớn nhất thế giới đang đối diện với tình trạng thanh khoản tệ nhất kể từ năm 2008. Mà một trong những nguyên nhân là nhà đầu tư không còn xem đây là nơi trú ẩn an toàn như mọi khi. Do vậy, Fed đã “không tiếc thân mình chèn bánh pháo”, nhằm giúp giao dịch trên thị trường trái phiếu “êm ả” hơn.
Ra đời trong cuộc khủng hoảng năm 2008, ý tưởng độc nhất vô nhị về việc mua trái phiếu khổng lồ để giảm lãi suất dài hạn – nới lỏng định lượng (QE) – hiện là một phần trong kho “vũ khí” của các ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, chiến lược này được coi là kém hiệu quả hơn khi lãi suất trong dài hạn đã ở mức thấp như hiện tại.
5. Những khoản vay mới nào các NHTW đang thực hiện?
Trong vai trò là người cho vay cuối cùng, các ngân hàng trung ương đang đưa ra hàng loạt chương trình hỗ trợ. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đang mở rộng 800 tỷ nhân dân tệ (115 tỷ USD) các khoản vay rẻ hơn để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp tư nhân. ECB xem xét việc nó có thể hỗ trợ các ngân hàng như thế nào thông qua chương trình cho vay dài hạn. Còn với Fed, cơ quan này đang cho các ngân hàng vay chiết khấu trong 90 ngày và thậm chí còn mở rộng cho vay đối với các tổ chức không phải ngân hàng thông qua hai chương trình khẩn cấp mới. Hay như BOJ đã công bố lãi suất cho vay một năm ở mức 0% cho các ngân hàng cam kết nợ công ty là tài sản thế chấp.
6. NHTW còn đang làm gì khác?
Một số NHTW đang thực hiện giảm bớt hoặc nới lỏng một số quy định bắt buộc. Chẳng hạn, các cơ quan quản lý ở Trung Quốc đã yêu cầu các ngân hàng nới lỏng các tiêu chuẩn phân loại nợ quá hạn để giữ hàng triệu doanh nghiệp hoạt động. Tại Mỹ, Fed đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ xuống gần mức 0%, nghĩa là các ngân hàng có thể cho vay mạnh mẽ hơn mà không vấp phải sự phản đối từ các nhà quản lý. Trung Quốc đã cho phép các công ty nhỏ không phải trả phí cho hệ thống an sinh xã hội từ tháng 2 đến tháng 6 năm nay. Thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với các công ty nhỏ cũng tạm thời giảm xuống 1% từ mức 3% từ tháng 3 đến tháng 5.
9. Rủi ro là gì?
Đối với một số nhà quan sát, việc bơm một lượng tiền khổng lồ này chắc chắn sẽ dẫn đến lạm phát trong tương lai. Những người khác lo lắng về sự xói mòn tính độc lập ngân hàng trung ương, tiêu biểu là Fed, có thể xuất phát từ các hành động mà trong một số trường hợp có thể sẽ tạo ra làn sóng quốc hữu hóa phần lớn các thị trường tài chính. Theo Jim Bianco, chủ tịch và người sáng lập ra Bianco Research, công ty phân tích về kinh tế thế giới và các thị trường tài chính, nếu Fed tiếp tục thực hiện các chương trình nới lỏng chưa từng có thì về cơ bản Bộ Tài chính Mỹ mới là cơ quan thực hiện các chương trình trên, còn Fed chỉ có vai trò như một ngân hàng cung cấp tài chính, dẫn đến khả năng hợp nhất Fed và Bộ Tài chính thành một tổ chức và Fed trao quyền cho Bộ Tài chính để tiếp cận với hệ thống in tiền. Vì vậy, tân chủ tịch Fed có thể chính là Tổng thống Donald Trump.
Tham khảo: Bloomberg