Mặt bằng lãi suất cho vay vẫn không thay đổi
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố báo cáo hoạt động ngân hàng tuần cuối cùng của tháng 7/2020 (tuần từ 27-31/7).
Theo đó, trong tuần tỷ giá duy trì ổn định, mua vào bán ra trên website của ngân hàng Ngoại thương niêm yết ổn định ở mức 23.090 – 23.270 VND/USD, không đổi so với ngày làm việc cuối tuần trước đó. Mức tỷ giá này tiếp tục được neo trong tuần đầu tháng 8 và đến ngày 7/8 vẫn là 23.090 – 23.270 đồng đổi 1 USD.
Về lãi suất, hiện lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,1- 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; từ 3,7 – 4,25%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,4- 6,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,0 – 7,3%/năm. Lãi suất huy động USD của TCTD ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức.
Mặt bằng lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 6,0-9,0%/năm đối với ngắn hạn; 9,0-11%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng VND đối với một số ngành lĩnh vực ở mức 5,0%/năm.
Lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 3,0-6,0/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 3,0-4,5%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,2-6,0%/năm.
Trong năm nay, để hỗ trợ các doanh nghiệp và khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, các ngân hàng trong hệ thống đã đồng loạt triển khai các gói tín dụng ưu đãi tổng cộng tới gần 1 triệu tỷ đồng và giảm lãi suất cho vay khá mạnh. Tuy nhiên theo như thông báo của Ngân hàng Nhà nước thì việc hạ lãi suất hỗ trợ đó chẳng tác động gì đến mặt bằng lãi suất cho vay vì các mức lãi suất như Ngân hàng Nhà nước nắm được và thông tin ra thị trường không hề thay đổi so với những tuần trước đó của năm 2020, thậm chí là năm 2019 và năm 2018.