Ngân hàng thu được gì sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 42?
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có Báo cáo kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD).
ĐÃ XỬ LÝ GẦN 294 NGHÌN TỶ ĐỒNG NỢ XẤU XÁC ĐỊNH THEO NGHỊ QUYẾT 42
Cụ thể, về kết quả xử lý nợ xấu nội bảng, NHNN cho biết, đã chỉ đạo các TCTD sát sao, quyết liệt và đồng bộ cùng với sự chủ động, nỗ lực của các TCTD, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD trong giai đoạn 2016-2020 đã được xử lý, kiểm soát và duy trì ở mức dưới 3%.
Cụ thể, cuối năm 2016 là 2,46%; cuối tháng 8/2017: 2,45%; cuối năm 2017: 1,99%; cuối năm 2018: 1,91%; cuối năm 2019: 1,63% và thời điểm 31/5/2020 là 1,86%. Như vậy, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD giảm liên tục qua các năm.
Tính từ cuối năm 2018 đến 31/5/2020, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 361,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó, nợ xấu do các TCTD tự xử lý là 307,96 nghìn tỷ đồng (chiếm 85,26%); nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản các TCTD Việt Nam ( VAMC ) là 48,52 nghìn tỷ đồng (chiếm 13,43%); và nợ xấu bán cho tổ chức, cá nhân khác là 4,72 nghìn tỷ đồng (chiếm 1,3%).
Bên cạnh kết quả trong xử lý nợ xấu nói chung, xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 từ khi Nghị quyết có hiệu lực đến 31/5/2020 cũng đạt được kết quả bước đầu quan trọng; các hình thức xử lý nợ xấu được các TCTD vận dụng, áp dụng đa dạng, đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.
Cụ thể, lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/5/2020, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 293,88 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42; trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 160,92 nghìn tỷ đồng (chiếm 54,76% tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 đã xử lý); Xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết số 42 là 67,28 nghìn tỷ đồng (chiếm 22,89% tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 đã xử lý); xử lý các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 65,68 nghìn tỷ đồng (chiếm 22,35% tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 đã xử lý).
Tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 được xử lý từ 15/8/2017 đến 31/5/2020 đạt trung bình khoảng 7,15 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 3,63 nghìn tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu nội bảng trung bình tháng từ năm 2012 – 2017 của hệ thống các TCTD trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực (khoảng 3,52 nghìn tỷ đồng/tháng).
TỶ TRỌNG KHÁCH HÀNG CHỦ ĐỘNG TRẢ NỢ XẤU TĂNG MẠNH
NHNN cho biết, trước khi có Nghị quyết số 42, nợ xấu của toàn hệ thống các TCTD chủ yếu được xử lý bằng dự phòng rủi ro, các biện pháp xử lý nợ xấu thông qua xử lý TSBĐ và khách hàng trả nợ còn chưa cao.
Tuy nhiên, kể từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực từ 15/8/2017 đến 31/5/2020, xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết số 42 chủ yếu thông qua hình thức khách hàng trả nợ là 121,4 nghìn tỷ đồng (chiếm khoảng 40,1% tổng nợ xấu nội bảng theo Nghị quyết số 42 đã xử lý), cao hơn nhiều tỷ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng tự trả nợ/tổng nợ xấu nội bảng đã xử lý trung bình năm từ 2012-2017 là khoảng 22,8%.
Kết quả xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 bằng hình thức khách hàng trả nợ tăng mạnh, phản ánh ý thức trả nợ của khách hàng đã cải thiện. Khách hàng chủ động và hợp tác hơn trong việc trả nợ TCTD, hạn chế tình trạng chủ tài sản cố ý chây ỳ, chống đối nhằm kéo dài thời gian xử lý.
Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy Nghị quyết số 42 đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD.
Với VAMC, báo cáo cho biết, từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực, kết quả thu hồi nợ của đầu mối này đạt 91.469 tỷ đồng, bằng 60% tổng giá trị thu hồi nợ lũy kế từ năm 2013 đến 31/5/2020.
Cũng từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực đến 31/5/2020, VAMC đã tổ chức đấu giá thành công 15 khoản nợ với tổng giá trị trúng đấu giá đạt 1.322 tỷ đồng; đồng thời, VAMC đã thu giữ, nhận bàn giao TSBĐ của 7 khách hàng/nhóm khách hàng.