Khép lại tháng đầu năm 2022, khối ngoại bất ngờ mua ròng gần 2.800 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh trên TTCK Việt Nam

Thị trường chứng khoán đã kết thúc tháng đầu tiên của năm Dương lịch 2022 không mấy tích cực khi các chỉ số của cả ba sàn đều giảm so với thời điểm cuối năm 2021. Cụ thể, VN-Index giảm 19,32 điểm tương ứng 1,3% xuống 1.478,98 điểm. Trong khi đó, HNX giảm tới hơn 12% còn 416,73 điểm và UPCoM-Index giảm 2,7% xuống 109,69 điểm.

Sau một vài phiên đầu năm thăng hoa với việc chỉ số VN-Index bứt phá xô đổ ngưỡng 1.500 điểm, liên tiếp lập đỉnh mới thì những sự cố xảy ra trên thị trường đã rấy lên làn sóng bán lan từ nhóm cổ phiếu đầu cơ tăng “nóng” sang cả nhóm vốn hóa lớn. Thậm chí áp lực bán còn khiến thị trường thiết lập phiên giảm hơn 43 điểm trong ngày 17/1 – giảm mạnh nhất trong vòng 5 tháng gần nhất, hàng trăm mã nằm sàn la liệt. Tâm lý nhà đầu tư hoang mang, mất niềm tin vào thị trường có thể là nguyên nhân chủ yếu gây ra nhịp điều chỉnh mạnh trong tháng 1 này.

Trong bối cảnh chứng khoán Việt có những nhịp lỡ đà, diễn biến giao dịch của khối ngoại lại có những tín hiệu tương đối tích cực, mặc dù quy mô của nhà đầu tư nước ngoài hiện chỉ còn chiếm khoảng 6% tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường. Theo đó, sau khoảng đầu tháng giao dịch mua bán đan xen, nhà đầu tư ngoại đã tập trung mua ròng trong những phiên cuối tháng với giá trị lớn, chủ yếu qua kênh khớp lệnh với các Bluechips. Trong khi đó, kênh giao dịch thỏa thuận ghi nhận giao dịch đáng chú ý nhất là thương vụ thoái vốn 33 triệu cổ phiếu Masan (MSN) của Ardolis Investment Pte. Ltd thuộc quỹ Chính phủ Singapore (GIC).

Tổng cộng, khối ngoại bán ròng 2.676 tỷ đồng trong tháng 1/2022, trong đó mua ròng khớp lệnh 2.770 tỷ đồng còn bán ròng thỏa thuận 5.445 tỷ đồng. Nếu loại trừ giá trị bán ròng cổ phiếu MSN, khối ngoại đã mua ròng 2.553 tỷ đồng trên toàn thị trường.

Khép lại tháng đầu năm 2022, khối ngoại bất ngờ mua ròng gần 2.800 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh trên TTCK Việt Nam - Ảnh 1.

Previous post Vinamilk (VNM): Thành viên SCIC sẽ không thoái vốn, Platinum Victory Pte. Ltd tiếp tục đăng ký mua thêm cổ phiếu
Next post ‘Vượt mặt’ Samsung, Huawei chính thức trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới