Diễn biến pháp lý mới nhất cho loại hình condotel, shophouse, homestay nhà đầu tư cần biết

Ngày 16/11, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp với Đại học Luật Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Chính sách, pháp luật về bất động sản du lịch – Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam”.

TS Đoàn Trung Kiên, Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội, đánh giá những năm qua, phân khúc thị trường bất động sản du lịch phát triển sôi động với nhiều sản phẩm cao cấp như condotel, shophouse, shoptel, resort, homestay, farmstay…

“Tuy nhiên, chính sách, pháp luật về kinh doanh bất động sản du lịch vẫn chưa đầy đủ, thống nhất, đã và đang gây lúng túng cho công tác quản lý Nhà nước về thị trường bất động sản ở các địa phương và là “điểm nghẽn” cho hoạt động đầu tư kinh doanh ở phân khúc này”, ông Kiên nhận định.

Tại hội thảo, ThS. Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) thừa nhận, chúng ta chưa thực sự đặt BĐS du lịch song song với các mô hình BĐS khác để phát triển. Vì vậy, hệ thống pháp luật giai đoạn 2015 đến nay chưa nêu rõ, nên cách hiểu, cách triển khai có sự khác nhau.

Hiện nay BĐS du lịch chịu sự điều chỉnh của nhiều hệ thống quy định khác nhau, từ hoạt động đầu tư, kinh doanh đến việc quản lý, sử dụng. Tuy nhiên, quy định của pháp Luật Đất đai hay pháp luật Kinh doanh BĐS hiện hành thì không có các khái niệm riêng cho loại hình BĐS du lịch, trong đó có condotel, resort villa, farmhouse… mà chỉ có khái niệm chung, đó là nhà, công trình xây dựng với mục đích thương mại, dịch vụ..

Ông Nguyễn Mạnh Khởi cho biết có 4 nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện trong công tác quản lý đầu tư, xây dựng, kinh doanh và quản lý sử dụng BĐS du lịch gồm: việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu BĐS du lịch; hoạt động kinh doanh mua bán, cho thuê, cho thuê mua BĐS du lịch; quản lý, sử dụng vận hành loại hình BĐS du lịch; thực thi pháp luật.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đoàn Văn Bình – Chủ tịch CEO Group cho biết, quy trình đầu tư dự án bất động sản du lịch rất phức tạp. Theo đó, thống kê trên cơ sở các quy định hiện hành, trình tự thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất hiện được quy định trong khoảng 19 luật, bộ luật, 52 nghị định, 42 thông tư, 102 quy chuẩn và 936 tiêu chuẩn.

Tuỳ từng loại dự án mà phải thực hiện thủ tục gồm từ 30 đến 54 bước với 38 đến 159 con dấu và thời gian quy định hoàn tất thủ tục khoảng 1 năm đến 1,5 năm. Trên thực tế, thời gian thủ tục kéo dài từ 2 năm đến 5 năm hoặc lâu hơn. Việc vận hành dự án đòi hỏi chủ đầu tư có 3 giấy chứng nhận, 2 quyết định và 3 giấy phép. “Quy trình đầu tư dự án bất động sản du lịch rất phức tạp, qua nhiều bước khác nhau và tổng thời gian cho toàn bộ quy trình thường không xác định được rõ ràng”, ông Đoàn Văn Bình cho biết.

Cũng theo ông Bình điểm nghẽn riêng của các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng nằm ở việc chưa có chính sách thật sự phù hợp nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch và phân khúc bất động sản du lịch. Đồng thời, pháp luật về đầu tư, kinh doanh bất động sản du lịch còn nhiều khoảng trống

Một số hạn chế lớn trong pháp luật về đầu tư, kinh doanh bất động sản có thể kể tới, như pháp luật chưa có quy định cụ thể về cơ chế quản lý, sử dụng đất vào mục đích hỗn hợp. Đơn cử như vừa sử dụng làm đất ở, vừa sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ và văn phòng. Bên cạnh đó, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (“Giấy chứng nhận”) đối với loại hình bất động sản này cũng còn nhiều vướng mắc.

Ông Bình nhấn mạnh, chính sách nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào bất động sản du lịch hiện chưa có. Từ góc độ pháp luật đất đai, mặc dù người nước ngoài được phép mua nhà ở theo Luật Nhà ở nhưng Luật Đất đai năm 2013 không ghi nhận quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất của người nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở.

“Vì vậy, cá nhân nước ngoài không phải là người sử dụng đất và không thuộc trường hợp được nhà nước giao đất có thu tiền theo Điều 5, Điều 55 Luật Đất  đai năm 2013 cũng như không được ghi nhận quyền sử dụng đất theo Điều 186 của Luật Đất đai”, ông Bình cho biết.

Ngoài ra, bất động sản du lịch còn vướng mắc một số quy định pháp luật nhằm kiểm soát tình trạng không rõ ràng trong cam kết lợi nhuận, huy động vốn và điều chỉnh đối với một số loại hình giao dịch, cho thuê sở hữu kỳ nghỉ.

Previous post Đã có khoản vay lãi suất thấp đầu tiên từ Ngân hàng Nhà nước
Next post Hãng hàng không kêu khó vì quy định test nhanh trước chuyến bay quốc tế