Thấy gì trước giá vàng tăng vọt, chứng khoán ‘nhảy múa’?
Cảnh báo đầu cơ
Thị trường chứng khoán (TTCK) thời gian qua liên tục ghi nhận những phiên thanh khoản tỷ USD, dòng tiền đặc biệt “nóng” tập trung ở nhóm có tính đầu cơ. Điều vô lý là nhiều doanh nghiệp (chủ yếu niêm yết trên sàn UPCOM) làm ăn bết bát nhưng cổ phiếu vẫn thi nhau lập đỉnh (thấy rõ ở sóng bất động sản). CEO (Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O) gây chú ý khi tăng giá gần 190% chỉ qua 1 tháng. Tuần qua, CEO tăng tới 57%, kết phiên 19/11 ở mức 31.500 đồng/cổ phiếu, lập đỉnh mới.
Cổ phiếu tăng giá trong thời gian ngắn, dù 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp lỗ ròng gần 129 tỷ đồng. Từ tháng 4/2021, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã đưa CEO vào diện cảnh báo.
L14 (Cty CP Licogi 14 – 267.000 đồng/cổ phiếu, P/E vượt 141 lần, EPS 1.987 đồng) là cổ phiếu thị giá cao nhất thị trường hiện nay. Cổ đông trả 141 đồng để đổi lấy 1 đồng lợi nhuận từ L14. Về hiệu quả của L14, nhóm phân tích từ Cty Chứng khoán An Bình (ABS) cho rằng, năng lực tài chính và quy mô L14 còn khiêm tốn, dẫn đến hạn chế nhất định trong tiếp cận các dự án lớn.
Nhiều cổ phiếu như: HNG (Cty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai), HAG (Cty CP Hoàng Anh Gia Lai), DLG (Cty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai), RIC (Cty CP Quốc tế Hoàng Gia)… cũng tăng mạnh trong bối cảnh kinh doanh ảm đạm. Thậm chí, VMD (Cty CP Y dược phẩm Vimedimex), HBS (Cty CP Chứng khoán Hoà Bình) trở lại chuỗi phiên tăng trần không lâu sau khi Chủ tịch HĐQT công ty này bị bắt.
Lý giải cho hiện tượng doanh nghiệp thua lỗ nhưng cổ phiếu lại tăng, các chuyên gia phân tích chứng khoán cho rằng, nhiều nhà đầu tư cá nhân mới, nhỏ lẻ tham gia vào thị trường đang quá quan tâm đến cổ phiếu đầu cơ, mà bỏ qua các yếu tố cơ bản như báo cáo tài chính, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Trên thị trường chứng khoán, không ai có thể nắm bắt hết được giá trị của một doanh nghiệp, tuy nhiên theo ông Vũ Đức Tiến (Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SHS), để chọn cổ phiếu tốt, nhà đầu tư cần quan tâm đến 3 điều: Ông chủ doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh và cơ hội của thị trường.
Theo ông Trần Lê Minh, Phó Tổng giám đốc Cty CP Quản lý quỹ đầu tư Dragon (phụ trách chi nhánh Hà Nội), tiềm năng TTCK còn rất lớn và nó đang bước vào giai đoạn phát triển đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng để phát triển bền vững. “Số nhà đầu tư tăng từ 2,5 lên 3 triệu trong 1 năm là thần kỳ. Trong số các nhà đầu tư mới, chúng ta thấy có một thế hệ nhà đầu tư chưa hiểu lắm về thị trường”, ông Minh chỉ rõ.
Có thật vàng tăng do khan hiếm?
Tuần qua, giá vàng miếng SJC có thời điểm vượt mốc 62 triệu đồng/lượng, giá vàng nhẫn cũng chạm ngưỡng 54 triệu đồng/lượng. Từ đầu tháng 11 đến nay, vàng miếng SJC đã tăng khoảng 1,3 triệu đồng/lượng, biên độ chênh lệch mua vào – bán ra cao nhất lên tới 900.000 đồng/lượng. Vàng trong nước cao hơn giá thế giới.
Tại “phố vàng” Trần Nhân Tông (Hà Nội), lượng người đến giao dịch chủ yếu tập trung ở các cửa hàng lớn, còn lại lác đác khách mua bán sản phẩm trang sức.
Ghi nhận tại hệ thống Bảo Tín Minh Châu (BTMC), đại diện doanh nghiệp cho biết, 3 cơ sở kinh doanh bán lẻ hiện đón lượng khách tăng khoảng 25% so với tuần trước. Trong đó, lượng khách mua vào chiếm khoảng 65% so với tổng khách giao dịch. Một chuyên gia của BTMC cho rằng, diễn biến giá vàng hiện khá phức tạp, rất khó đưa ra nhận định cụ thể, khi các nền kinh tế lớn trên thế giới đang tìm cách hồi phục sau đại dịch.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, nguyên nhân khiến giá vàng trong nước tăng cao, chủ yếu do nguồn cung khan hiếm. Từ lâu, thị trường chỉ có duy nhất SJC là thương hiệu quốc gia, các đơn vị khác không được phép sản xuất vàng miếng.
Theo ông Hùng, còn có lý do khiến vàng trở nên khan hiếm là, thời điểm giá vàng xuống thấp 33 – 36 triệu đồng/lượng, người dân bán ra nhiều, doanh nghiệp mua gom để xuất khẩu vàng trang sức. Ông Hùng đánh giá, giá vàng khó có thể hạ nhiệt trong thời gian tới, trừ trường hợp Nhà nước can thiệp, tuy nhiên khả năng này khó xảy ra, đặc biệt trong bối cảnh tỷ giá đã được giữ ổn định trong thời gian dài.
Đến cuối tháng 10/2021, trên TTCK có hơn 3,82 triệu tài khoản. Tuy nhiên, con số này chỉ phản ánh lượng tài khoản mà không thể hiện thực tế số lượng nhà đầu tư trên thị trường.